Chúc mừng nhà văn hóa Trần Bạch Đằng 80 tuổi

Người bạn lớn của tuổi trẻ thành phố

TS Quách Thu Nguyệt
Người bạn lớn của tuổi trẻ thành phố

Trần Bạch Đằng, một con người đậm chất Nam bộ không chỉ bởi quê quán, nơi sinh trưởng mà còn ở ngay trong tính cách, ngôn từ, hành xử. Khi nói hay viết, ông luôn trình bày thẳng những suy nghĩ của mình, không úp mở, quanh co; đi thẳng vào thực chất vấn đề; ghét khoa trương, kiểu cách.

Người bạn lớn của tuổi trẻ thành phố ảnh 1

Cuộc đời và hành trang của ông toát lên một con người nghĩa tình, tài hoa, song không kém phần ngang ngạnh. Từ những dòng ký ức của ông, ta luôn bắt gặp những hoài niệm sâu lắng về hình ảnh của song thân; tình yêu tha thiết thủy chung với người bạn đời; những nỗi niềm da diết về nơi chôn nhau cắt rốn; những kỷ niệm trong trẻo, tươi nguyên về những người bạn ấu thời; về những vùng miền khắp dải đất Nam bộ đã cưu mang, đùm bọc và chở che ông từ thuở ấu thơ cho đến những năm tháng trưởng thành.

Suốt chặng đường hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những kỷ niệm đẹp nhất luôn gợi nhớ trong ông là những câu chuyện về những đồng đội, đồng chí, đồng bào - kể cả khi cách mạng đang thắng lợi dâng cao hay khi thoái trào. Tất cả phác họa nên một bức tranh sinh động lịch sử cách mạng miền Nam trong dòng chảy lịch sử hiện đại của dân tộc Việt.

Trần Bạch Đằng luôn toát lên một con người có tâm trong sáng, tấm lòng bao dung; đặc biệt có sức quy tụ tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp trí thức với nhiều nguồn gốc xuất thân và lịch sử chính trị khác nhau. Với mảnh đất miền Nam và đặc biệt thành phố Sài Gòn do đặc thù lịch sử, Trần Bạch Đằng là một trong ít cán bộ cộng sản đã quy tụ, tập hợp và khai thác được sức đóng góp trí tuệ cho thành phố từ nhiều nguồn trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam trong chế độ cũ cũng như các lớp trí thức văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa trong cả nước sau này.

Không chỉ quy tụ, tập hợp khơi mạch nguồn cho sức đóng góp trí tuệ cho thành phố mà ông còn tìm hiểu đồng cảm, chia sẻ với những trở ngại khó khăn của từng người, thậm chí tìm công ăn việc làm cho những người ấy từ khi thành phố mới giải phóng.

Với phương pháp tư duy rộng thoáng, lý luận sâu sắc, lối viết giản dị, trong sáng, lôi cuốn cùng với sự trải nghiệm cuộc sống, các tác phẩm Ngày về của ngoại, Ván bài lật ngửa, Chân dung quản đốc, ông Hai cũ, Bác Sáu Rồng... của Trần Bạch Đằng với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý đã làm say mê bao lớp người đọc một thời.

Trong bài “Tôi làm báo”, ông viết: “‘Tôi chưa bao giờ tự coi mình là nhà báo chuyên nghiệp, tôi xem báo chí là trận địa mà tôi ưa thích, viết báo với tất cả hứng thú sẽ cùng đi với tôi cho đến khi tôi không còn viết được”.

Với tư cách là người đọc, tôi không đồng ý với ông về nhận định này, bởi ông đã bỏ cả đời ra để làm báo, từ báo tường, báo nói, báo viết, từ thuở báo chí kháng chiến còn sơ khai đến báo chí phát triển sau này. Trong kháng chiến, ông là một trong những người đầu tiên gầy dựng, lãnh đạo và thực hiện nhiều việc liên quan đến báo chí. Thời hòa bình, ông là một trong những người viết báo khỏe nhất. Có thể thấy đều đặn trên các tờ báo từ trung ương đến địa phương: Nhân Dân, Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Công An,...

Người bạn lớn của tuổi trẻ thành phố ảnh 2
Cùng vợ và hai con (Hà Nội - 1970).

Những bài viết của ông luôn có những phát hiện khơi gợi mới mẻ gây sự hứng thú, thu hút, lôi cuốn, gợi lên nhiều điều suy ngẫm nơi người đọc. Phải nói ông là một nhà báo chuyên nghiệp, làm báo không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng tấm lòng và bằng con tim thao thức với nhịp sống của nhân sinh và thời đại.

Cảm động nhất trong Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức khi ông còn viết về cuộc Tiễn đưa một nửa thân mình. Tiễn đưa người vợ vô cùng thân thương, một người bạn, một người đồng chí gần gũi nhất về bên kia thế giới như tiễn đưa một nửa con người của chính mình.

Công dân trẻ thành phố những năm đầu sau giải phóng, vẫn nhớ như in những buổi nói chuyện của ông thu hút và “hớp hồn” hàng ngàn thanh niên thành phố tại khuôn viên số 4 Duy Tân, bấy giờ là Câu lạc bộ Thanh niên. Và từ những bài học Tuổi trẻ, lý tưởng, niềm tin và hy vọng ấy,... lớp trẻ phơi phới nhập cuộc với lý tưởng và hoài bão đầy chất lửa và thơ được ông truyền cho trong suốt hành trình tuổi trẻ của mình.

Tập sách Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức* nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông, như là món quà tri ân của tuổi trẻ thành phố với tất cả lòng kính trọng và yêu quý nhà cách mạng lão thành, nhà văn hóa lớn, người bạn lớn thân thiết của tuổi trẻ thành phố - Trần Bạch Đằng.
____________
* NXB Trẻ tháng 7-2006

TS Quách Thu Nguyệt
 

Tin cùng chuyên mục