Người dân ủng hộ “buýt thân thiện”

Người dân ủng hộ “buýt thân thiện”

Vừa qua, các báo đưa tin về một trường hợp xe buýt đóng cửa bất cẩn, làm kẹt áo một em học sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong và nạn nhân đã bị lôi trên đường một quãng dài chục mét, bị bánh sau cán lên chân, làm em bị thương nặng. Đó là do cả tài xế và nhân viên phục vụ quá bất cẩn, xem thường sinh mạng của hành khách, không cho xe dừng hẳn để đón khách.

Thành phố đã ra sức tuyên truyền vận động để người dân ủng hộ và sử dụng xe buýt. Thế nhưng, thời gian qua, xe buýt đã gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng cho người đi đường lẫn hành khách, gây bức xúc cho người dân.

Người dân ủng hộ “buýt thân thiện” ảnh 1

“Buýt thân thiện” sẽ được người dân ủng hộ. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ngành giao thông đường bộ đã dành nhiều ưu tiên cho xe buýt như: kẻ ô trước các trạm dừng cho khách xuống và lên xe, dọc theo đường có kẻ lằn sơn trắng dành riêng cho xe buýt di chuyển và có nhiều đường, cầu, cấm các phương tiện giao thông khác nhưng lại ưu tiên cho xe buýt chạy để đưa đón khách được thuận lợi… Thế nhưng, nhiều xe buýt không chỉ sử dụng những ưu tiên ấy mà còn cố tình lấn đường, chạy nhanh, vượt ẩu…

Chưa kể, cách hành xử thiếu ý thức, kém văn hóa của một số lái xe, nhân viên phục vụ đối với hành khách ngày càng làm cho người dân cảm thấy không an toàn khi đi xe buýt. Điều này đã tạo hiệu ứng ngược với các cuộc vận động, tuyên truyền của TPHCM kêu gọi người dân, công chức ủng hộ xe buýt.

Để các cuộc vận động nói trên thật sự hiệu quả, trước hết tài xế và nhân viên phục vụ xe buýt cần phải có ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị, lái xe an toàn, không giành chuyến, lấn đường, vượt ẩu…

Nhân viên phục vụ tuyệt đối không nên xô đẩy hành khách ra khỏi xe cho nhanh; quăng ném đồ đạc, hành lý của họ. Tài xế và nhân viên phục vụ phải luôn tôn trọng hành khách, giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ em trên xe có chỗ ngồi an toàn. Thân thiện với hành khách, đó là đòi hỏi của người dân khi đi xe buýt.  

VÕ LÂM


Cảm ơn vì được cảnh báo kịp thời

Tôi đọc trên Báo SGGP Thứ Bảy mới đây có đăng bài: “Thị trường bất động sản – Cẩn thận với những chiêu kích ảo” nói về dự án của một công ty nọ đang rao bán và quảng cáo “ì xèo” với giá bán giảm, chỉ còn 1.350 USD/m² (so với trước đây đã giảm đến 950 USD/m²). Thế nhưng, trên thực tế, nhiều văn phòng môi giới bất động sản lại chào bán căn hộ dự án trên với giá giảm thêm 2,5%, so với giá rao của nhà đầu tư.

Còn trên Báo SGGP 12 Giờ mới đây thông tin, dự án trên giờ đã có người rao bán với giá giảm “nặng đô” hơn: “Bán căn hộ dự án…. chiết khấu ngay 335 triệu đồng, tương đương với 8%”. Mặc dù đã giảm cho người mua đến 8% nhưng người bán này nói rằng vẫn còn giữ lại 22%, vì chủ dự án “ưu đãi” cho họ đến 30% trên giá 1.350 USD/m²!

Mới đây, tôi và nhiều người bạn nhận một tin nhắn giảm giá căn hộ cao cấp Phú Hoàng Anh: “Căn hộ cao cấp Phú Hoàng Anh, mặt tiền Nguyễn Hữu Thọ, giá 1.250 USD/m² (giá này chủ đầu tư cũng đã giảm vài trăm USD so với trước đây – NV), khách hàng mua chiết khấu 2,5%, vui lòng liên hệ V.”.

Qua những thông tin trên cho thấy, giá bán căn hộ mà chủ đầu tư rao là “cuộc cách mạng về giảm giá” cũng chưa phải giá thật. Đây chẳng qua là những “chiêu” PR khéo léo mà chủ đầu tư tung ra, kích giá để những người khác (có thể là nhà đầu cơ, cò) làm giá. Nếu người mua không rành, không theo dõi kỹ, cứ ngỡ mình đã thành “thượng đế” thì rất dễ bị “dính” với bất cứ giá nào. Cũng may là Báo SGGP Thứ Bảy, Báo SGGP 12 Giờ đã cảnh báo kịp thời cho người có nhu cầu về nhà ở.  

DIỄM CHI
(đường Trần Huy Liệu Q.Phú Nhuận)

Tin cùng chuyên mục