Người Hàn Quốc chuộng khám bệnh từ xa

Được coi là một trong những biện pháp giúp giảm thiểu tình trạng quá tải tại bệnh viện, dịch vụ khám bệnh từ xa đang dần phát triển tại Hàn Quốc với sự hưởng ứng của đông đảo bệnh nhân.
Khám bệnh từ xa được người dân Hàn Quốc đón nhận
Khám bệnh từ xa được người dân Hàn Quốc đón nhận

Anh Kim Jin Woo, 27 tuổi, sinh sống tại thủ đô Seoul, đang chữa trị Covid-19 tại nhà theo quy định của chính phủ. Khi triệu chứng bệnh không thuyên giảm, anh Kim gọi điện đặt hẹn tại các bệnh viện gần nhất nhưng đều kín chỗ. Anh chuyển sang sử dụng dịch vụ khám bệnh từ xa để nhận được hỗ trợ y tế sớm nhất. Anh Kim cho biết: “Việc điều trị y tế qua điện thoại rất tiện lợi, thuốc men cũng được gửi đến nhanh chóng. Tôi rất mong dịch vụ này được duy trì cho đến khi dịch Covid-19 kết thúc”.

Cũng như anh Kim, nhiều người dân Hàn Quốc đang được điều trị từ xa (telemedicine), trong bối cảnh các bệnh viện trở nên quá tải vì số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao kỷ lục. Hiện các cơ sở y tế chỉ hỗ trợ các bệnh nhân mắc Covid-19 trên 60 tuổi và chỉ định chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Trước đây, điều trị từ xa không được đón nhận tại Hàn Quốc. Từ năm 2015, Hàn Quốc đã tăng số người tham gia chương trình thí điểm chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa lên khoảng 5.300 người trên 7 hòn đảo gần biên giới với Triều Tiên, để kiểm tra tính khả thi của hệ thống trước khi đưa vào triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho rằng, chương trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về vấn đề an toàn cũng như có nguy cơ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các phòng khám nhỏ. Do đó, chương trình tạm dừng và mở lại năm 2020, khi chính phủ gia hạn các biện pháp khẩn cấp chống dịch Covid-19. 

Thống kê từ Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, nước này có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại nhà. Trong khi tỷ lệ trung bình tại Hàn Quốc là 2 bác sĩ/1.000 dân, chỉ có 6 trong số 17 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt được mức này, phản ánh sự phân bổ nhân lực chưa đồng đều giữa các khu vực trong hệ thống y tế tại Hàn Quốc. Việc chính phủ “bật đèn xanh” cho dịch vụ khám bệnh từ xa đã tạo điều kiện cho các ứng dụng sử dụng dịch vụ này nhanh chóng ra đời. Doctor Now, Ollacare, Soldoc và Dr.Call là các ứng dụng telemedicine đang phát triển nhanh tại Hàn Quốc, giúp kết nối các bệnh viện với các bệnh nhân sống ở cách xa hàng trăm kilômét.

Doctor Now, công ty khởi nghiệp do Tập đoàn đa quốc gia SoftBank Ventures hỗ trợ vốn, đã ghi nhận lượng người sử dụng dịch vụ gia tăng, chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30, trong đó các dịch vụ hỗ trợ người mắc Covid-19 chiếm hơn một nửa. Trong số 2,3 triệu người sử dụng dịch vụ của Doctor Now kể từ tháng 12-2020, gần 1 triệu bệnh nhân đã đăng ký điều trị vào tháng 2-2022, tăng gấp 40 lần so với chỉ 1 năm trước đó. 

Các bác sĩ và bệnh nhân tại Hàn Quốc khá hài lòng với các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, đặc biệt hữu ích đối với các bệnh nhân không thể đến thăm khám trực tiếp hoặc cần được kê đơn điều trị các bệnh mãn tính. Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol mới đây đã cam kết đảm bảo mọi công dân Hàn Quốc đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế từ xa. Lượng người sử dụng dịch vụ gia tăng cùng với sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cho thấy khả năng cao, phương pháp trên sẽ trở thành một phần của hệ thống y tế tại quốc gia này.

Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, trong gần 2 năm qua, điều trị y tế từ xa cung cấp các dịch vụ trị giá khoảng 58 tỷ won (tương đương 48 triệu USD), trong khi ngành y tế tạo ra giá trị khoảng 203 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục