Người Mỹ dùng hàng Mỹ

Mua bán hàng trực tuyến hiện không còn là khái niệm quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, gian hàng ảo của anh Mark Schlicher ở TP Saline, bang Michigan (Mỹ) lại có đôi chút đặc biệt. Hàng bày biện trên cửa hàng ảo của Schlicher không phải là hàng hóa thông thường mà là các nhà sản xuất.

Khi truy cập website của Schlicher, khách hàng sẽ đặt hàng trực tiếp với các công ty. Các nhà sản xuất có tên trong cửa hàng của Schlicher chỉ là những công ty đến từ Mỹ. “Sẽ chỉ có hàng sản xuất tại Mỹ. Cửa hàng của tôi sẽ là nơi kết nối những người thích dùng hàng Mỹ với các công ty của Mỹ”, anh Schlicher nói. Ngay trong tháng đầu tiên, website cửa hàng trực tuyến của Schlicher đã thu hút được hơn 3.000 người truy cập.

“Người Mỹ dùng hàng Mỹ”, xu hướng này đang ngày một gia tăng tại cường quốc số một thế giới. Trong hội nghị thường niên của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia vừa diễn ra tại New York, Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ Wal-Mart (Mỹ) Bill Simon đã đề xuất kế hoạch trong 10 năm tới là sẽ mua thêm 50 tỷ USD hàng hóa do Mỹ sản xuất như trang thiết bị thể thao và các thiết bị cao cấp. Các chi nhánh của Wal-Mart tại Mỹ cho biết khoảng 2/3 hàng hoá mà tập đoàn này nhập về các cửa hàng của hãng có nguồn gốc hoặc được sản xuất tại Mỹ. Năm 2012, 55% doanh thu của Wal-Mart đến từ các cửa hàng bán tạp hoá như thực phẩm và đồ uống cũng như các sản phẩm khác có nguồn gốc trong nước. Chỉ có 7% doanh thu là từ hàng may mặc, đồ trang sức, phụ kiện mà các nhà bán lẻ nhập từ các nước có chi phí sản xuất thấp hơn. Ngoài ra, Wal-Mart sẽ tuyển dụng hơn 100.000 cựu chiến binh trong 5 năm tới, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức cao 7,8%.

Kế hoạch của Wal-Mart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Michelle Obama. Trong khi đó, Stuart Appelbaum, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán buôn bán lẻ và các cửa hàng bách hóa, cho rằng các nhà bán lẻ như Wal-Mart có thể góp phần mang lại cú hích cần thiết cho nền kinh tế Mỹ. Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Larry Teague còn lên kế hoạch kêu gọi sự ủng hộ cho một dự thảo luật yêu cầu sử dụng sắt, thép do Mỹ sản xuất để sửa chữa hoặc xây dựng các công trình công cộng như đường cao tốc, trường học, bệnh viện...

Tất cả những động thái trên diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ giảm tốc trong hơn 3 năm qua cùng với số lượng người thất nghiệp tăng cao. Nếu người Mỹ dùng hàng Mỹ, nền sản xuất trong nước sẽ được thúc đẩy kéo theo gia tăng số lượng việc làm, góp phần giải quyết những thách thức mà Chính phủ Mỹ đang phải nhức đầu tìm hướng giải quyết. Trước đó, xu hướng khuyến khích người dân dùng hàng trong nước còn xuất hiện cả ở Pháp khi một vị bộ trưởng của đất nước hình lục lăng xuất hiện trên một trang bìa tạp chí với các sản phẩm “made in France” từ đầu đến chân để kêu gọi người dân dùng hàng nội. Khuyến khích dùng hàng nội là cách làm giúp cho nền sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại rằng việc thúc đẩy xu hướng này có thể sẽ làm nảy sinh nhiều hơn nữa những hình thức bảo hộ sản xuất khiến cạnh tranh kinh tế bất bình đẳng. Khi đó, những cuộc chiến thương mại giữa các nước sẽ xảy ra thường xuyên, kéo theo nền kinh tế toàn cầu đi xuống.

Đỗ Cao

Tin cùng chuyên mục