Tết no đủ
An Giang là một trong những địa phương có thế mạnh về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra từ nhiều năm qua. Những ngày này, cả doanh nghiệp và người nuôi cá tra ở An Giang đều phấn khởi khi tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra rất tốt.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Nam Việt (Navico), cho biết: “Ngay những ngày đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng, dự kiến trong tháng 1 này Navico xuất khẩu cá tra đạt khoảng 12 triệu USD, tăng gần 4 triệu USD so cùng kỳ năm trước”.
Theo ông Tới, năm 2017 Navico đạt doanh số xuất khẩu cá tra hơn 90 triệu USD, giá xuất bình quân từ 2,7-3,7 USD/kg (tùy loại và tùy thị trường); kế hoạch năm 2018, Navico phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu cá tra từ 120-130 triệu USD.
Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang nhận định, nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu trong năm qua hoạt động khá hiệu quả, bởi thị trường tiêu thụ rộng mở và giá cả khá tốt. Cũng nhờ xuất khẩu ổn định nên người nuôi cá bán được giá cao. Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang), cho hay: “Toàn tỉnh có khoảng 833ha nuôi cá tra, sản lượng hơn 287.339 tấn. Giá thành nuôi cá tra hiện nay khoảng 21.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao hơn. Có thể nói, sau mấy năm người nuôi lận đận vì rớt giá thì nay nghề cá có chuyển biến tích cực”.
Tại Đồng Tháp, nhiều hộ nuôi cá cũng phấn khởi vì giá tăng và tiêu thụ dễ dàng. Ông Nguyễn Thanh Bình, ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) khoe: “Tôi chuẩn bị bán 300 tấn cá tra với giá mà doanh nghiệp đặt mua khoảng 28.000 - 29.000 đồng/kg, ước tính trừ hết các khoản chi phí đầu tư thì mức lợi nhuận đạt được gần 3 tỷ đồng; mức lời khá cao trong vài năm nay”. Theo ông Nguyễn Văn Na, Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), nhờ giá cá tra tăng nên người nuôi cá ở xã cù lao như Tân Bình, Tân Quới, Tân Huề… ai cũng có đồng lời để mua sắm chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018.
Liên kết phát triển bền vững
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang phân tích, một trong những nguyên nhân chính khiến giá cá tra cao là nhờ xuất khẩu thời gian qua ở các thị trường châu Mỹ, châu Á… khá tốt; trong khi đó, sản lượng cá tra nguyên liệu trong nước không tăng vì ảnh hưởng thời tiết và con giống.
Ông Doãn Tới cho rằng: “Mấy năm trước do thị trường xuất khẩu ì ạch. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn “thanh lọc” các nhà máy cá tra yếu kém, từ đó “lập lại trật tự” nghề cá. Cụ thể, đã có khá nhiều doanh nghiệp yếu, sản xuất sản phẩm kém chất lượng, làm ăn thiếu liên kết, chụp giựt… dẫn đến thua lỗ, ngưng hoạt động. Năm 2017 vừa qua, những doanh nghiệp toàn tâm toàn ý với nghề cá, có đầu tư nhà máy với công nghệ hiện đại, có vùng nuôi, liên kết với nông dân… cùng nhau lấy lại chỗ đứng cho cá tra Việt Nam trên thương trường quốc tế bằng những sản phẩm cá tra chất lượng, giá trị cao. Có thể nói, nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang vận hành đúng hướng, chú trọng sự liên kết, chất lượng, hoạt động theo chuỗi giá trị…”.
Theo ông Doãn Tới, với tình hình thị trường xuất khẩu hiện nay, dự báo trong năm 2018, giá cá tra nguyên liệu còn duy trì mức cao; nhưng từ năm 2019 trở đi vẫn còn là ẩn số bởi nhiều nước trên thế giới thường xuyên gây khó cho cá tra Việt Nam. Vì vậy, vấn đề lúc này là không vội vàng mở rộng diện tích nuôi; những hộ nhỏ lẻ, không có liên kết với doanh nghiệp thì không nên nuôi cá, bởi nguy cơ rủi ro cao.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết: “Từ các bài học trước đây, khi giá cá tăng người dân ùn ùn nuôi dẫn đến thừa sản lượng và rớt giá. Do đó, thời gian gần đây tỉnh An Giang kiểm soát chặt về sản lượng và không để “tăng trưởng nóng”. Quan điểm của tỉnh là nuôi cá tra phải nằm trong vùng quy hoạch, việc mở rộng diện tích phải từng bước theo nhu cầu thị trường…”.
Tại Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 1.504ha diện tích nuôi cá tra với sản lượng 403.000 tấn. Trong đó, 70% diện tích do các doanh nghiệp chế biến trực tiếp nuôi, 30% còn lại do các hợp tác xã và nông dân nuôi có ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến (doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn và thu mua lại sản phẩm).
Cùng với sự liên kết thì vấn đề quan trọng là đầu tư nâng cao chất lượng con giống. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, con giống là khâu quan trọng đầu tiên để phát triển cá tra, khi con giống sạch bệnh thì việc nuôi cá mới đạt năng suất, chất lượng cao và xây dựng được thương hiệu. Thế nhưng, lâu nay con giống chưa được quản lý, quan tâm đầu tư đúng mức. Điều đáng mừng là mới đây Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, tại An Giang”.
Mục tiêu của đề án đến năm 2020 có 1.000ha tham gia chuỗi sản xuất giống chất lượng, chiếm khoảng 50% diện tích ươm giống cá tra ở ĐBSCL; cung cấp khoảng 50% nhu cầu con giống cá tra (tương đương 1,75 tỷ con giống). Đến năm 2025, cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra (tương đương 2,8 tỷ con giống)…
Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần nhanh chóng tạo quỹ đất hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống. Các bộ ngành chức năng sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho vùng sản xuất giống tập trung ở An Giang và Đồng Tháp. Đối với các tỉnh còn lại sẽ vận dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng những nơi làm giống ở địa phương mình.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám lưu ý, sản xuất giống cá tra được xem là khâu đột phá để phát triển bền vững nghề cá, để làm được việc này thì vai trò tham gia của các doanh nghiệp là rất quan trọng…