Người nuôi chim yến lo lắng bởi nạn "yến tặc"

Thời gian gần đây, tại tỉnh Quảng Nam và nhiều tỉnh thành miền Trung xuất hiện tình trạng săn bắt trái phép chim yến theo kiểu tận diệt khiến nhiều người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi yến lo lắng. Việc săn bắt khiến sản lượng yến những năm gần đây sụt giảm trầm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể chim yến Việt Nam.

Săn bắt tận diệt

Những ngày qua, nhiều cơ sở nuôi chim yến bức xúc trước tình trạng săn bắt chim yến tràn lan. Dọc các cánh đồng thuộc huyện Thăng Bình, Duy Xuyên có nhiều tấm lưới “tàng hình” có sợi rất nhỏ, khó có thể nhìn thấy từ xa. Lưới được các đối tượng săn bắt giăng trên các cánh đồng, rồi bật loa dẫn dụ chim yến dính bẫy.

Loạt lưới tàng hình của các đối tượng giăng để săn bắt chim trời. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Loạt lưới tàng hình của các đối tượng giăng để săn bắt chim trời. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Những con yến bị sa lưới được các đối tượng phân loại, chim chết sẽ bán vào các hàng quán dưới mác chim sẻ; chim còn sống được bán cho các đầu nậu để bán phóng sinh. Nhiều cơ sở nuôi yến thức khuya dậy sớm để bắt quả tang “yến tặc”, thậm chí từng xảy ra xô xát...

Ông Trần Hữu Long, chủ cơ sở yến sào Đất Quảng (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) bức xúc: “Tôi đến chợ để bắt người bán đám chim, quay clip thì bị hất văng hư điện thoại. Tôi giữ xe cũng không được, gọi điện thoại cũng không có người hỗ trợ...”.

Những con chim dính bẫy nếu còn sống sẽ đưa đến các điểm bán chim phóng sanh, nếu chết thì vào nhà hàng, quán nhậu với mác "chim sẻ". Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Những con chim dính bẫy nếu còn sống sẽ đưa đến các điểm bán chim phóng sanh, nếu chết thì vào nhà hàng, quán nhậu với mác "chim sẻ". Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Còn ông Trần Phước Sỹ, Chủ tịch Hội yến sào Quảng Đà nêu ý kiến: “Vì mưu sinh mà nhiều người săn bắt bừa bãi gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành yến Việt Nam. Cần có những chế tài mạnh tay hơn chứ theo Nghị định 14 chỉ phạt hành chính thì không đủ sức răn đe".

Giá 1 con chim yến được các "yến tặc" bán với giá chỉ khoảng 7 ngàn đồng/1 con. Nhưng với cặp chim yến đó, trong điều kiện sống tại các nhà yến thì một năm sẽ cho ra 2 - 3 tổ, thu hoạch tốt thì trị giá tầm 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Việc bẫy bắt theo kiểu tận diệt đã gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành yến sào.

Nhiều nhà yến trong những năm đầu chỉ dẫn dụ được vài chục cặp chim yến đến làm tổ. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Nhiều nhà yến trong những năm đầu chỉ dẫn dụ được vài chục cặp chim yến đến làm tổ. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Cần chế tài mạnh

Tại đảo Cù Lao Chàm, mỗi năm, tổ của chim yến thường được khai thác 2 đợt vào cuối mùa xuân và cuối mùa thu. Hiện 1kg yến đảo Cù Lao Chàm loại 1 có giá bán hơn 150 triệu đồng. Năm nay do số lượng đàn chim yến giảm sút nên sản lượng tổ thu hoạch phải dời sang cuối thu. Theo Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), có nhiều nguyên nhân khiến đàn chim yến giảm về lượng, trong đó nguyên nhân cốt lõi nhất là do tình trạng bẫy bắt chim yến.

Lượng chim yến trên đảo Cù Lao Chàm những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Lượng chim yến trên đảo Cù Lao Chàm những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Ông Cao Văn Năm, Giám đốc Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho rằng: “Giá trị của chim yến đảo thì mỗi cặp sẽ được 3 – 5 triệu/năm. Dòng đời của chim yến sống được vài chục năm. Như vậy, bắt một chim yến sẽ hủy hoại môi trường và hủy hoại cả một ngành. Nếu người dân nuôi mà bị bẫy bắt thì là tàn phá, phải can thiệp bằng pháp lý mạnh hơn, hình thức xử phạt hành chính thì rất nhẹ”.

Thực tế, việc thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn. Người dân có thể đặt bẫy chim trời ở bất cứ đâu, đa phần các loài chim dính bẫy thường không thuộc danh mục sách đỏ cần bảo tồn nghiêm ngặt nhưng vẫn gây mất cân bằng sinh thái. Đặc biệt, đối với chim yến đã được đưa vào danh mục động vật thuộc nhóm IIB. Trước thực tế đáng lo ngại, tỉnh Quảng Nam đã có những động thái ban đầu để bảo vệ đàn chim yến.

Hạt Kiểm lâm trung Quảng Nam cắm bảng tuyên truyền không săn bắt động vật hoang dã tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Hạt Kiểm lâm trung Quảng Nam cắm bảng tuyên truyền không săn bắt động vật hoang dã tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, sở đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hiện đã chỉ đạo cho các ngành phối hợp với ngành kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc của UBND huyện triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền bằng nhiều hệ thống. Sở chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các đội cơ động thường xuyên đi nắm địa bàn, các tuyến đường… nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý.

Tin cùng chuyên mục