
LTS. Nhằm ổn định giá cá tra, cá ba sa…, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng đã có chuyến công tác tại đồng bằng sông Cửu Long. Sau chuyến đi, ông đã dành cho báo SGGP một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề ổn định giá cả trước mắt và chủ trương lâu dài về con cá ba sa, cá tra ở ĐBSCL.
- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng không ổn định về giá cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL hiện nay?

- Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng: Tình trạng trồi sụt về giá cá tra, cá ba sa thì năm nào cũng xảy ra, thường thì tháng 10, lúc vào mùa thu hoạch cá da trơn. Nhưng năm nay có khác. Nguyên nhân trực tiếp là mùa hè, thị trường Đông Âu có biến động, thêm vào đó có yếu tố chất lượng, một số lô hàng bị trả lại... Vì thế một số doanh nghiệp đòi giảm giá.
Bà con nuôi cá lo lắng lao đi bán, vì thế tạo nên một cơn sốt giảm giá. Cái mà bà con nuôi cá bức xúc là có doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng mua bán đã ký kết, đòi hạ giá xuống, có trường hợp bà con đã hạ giá rồi nhưng vẫn chưa mua. Bà con gọi tình trạng này là “bẻ kèo”! Có thể nêu cụ thể là Công ty Nam Việt. Công ty này “bẻ kèo” đi mua cá ngoài hợp đồng, đi mua cá trôi nổi. Công ty Nam Việt có một vị trí lớn là vì tiêu thụ đến một nửa lượng cá ở An Giang, là nơi nuôi cá tập trung nhất. Vì thế khi Nam Việt “bẻ kèo” thì gây nên cú “sốc”! Ở đây có một thực trạng là, do nhiều nguyên nhân, khi ký hợp đồng mua bán, bà con bị dồn vào thế doanh nghiệp chỉ ký khi nào có lợi cho họ (!). Vì thế, nếu có đi kiện thì chưa chắc bà con đã thắng (!). Chính vì vậy mà chúng tôi thống nhất với địa phương là phải bàn bạc, thống nhất cách làm ăn với nhau, giữa bà con và các doanh nghiệp. Chúng tôi và các anh ở địa phương đều nhất trí nêu lên khẩu hiệu: Bà con nuôi cá và các doanh nghiệp phải cùng chia sẻ lợi nhuận và khi có khó khăn thì cùng chia sẻ khó khăn với nhau, có như thế mới tồn tại bền vững, mới có văn minh trong kinh doanh. Với bà con nuôi cá, khi giá cá tăng, có người “làm giá” đòi giá cao mới bán, đó là điều chúng ta phải nhắc nhở, uốn nắn ngay. Nếu sắp tới vào WTO mà chúng ta không đoàn kết thì hàng hóa VN chúng ta không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới được. Đã đến lúc người sản xuất kinh doanh ở nước ta phải có tầm nhìn, tầm suy nghĩ như thế. Đó là yêu cầu của giai đoạn sắp tới, là lợi ích toàn cục và cũng là điều sống còn!
- Hiện nay tình hình giá cả đã ổn định chưa, thưa ông?
- Đã tạm ổn. Giá đã ở mức 11.200 đồng đến 11.500 đồng/kg cá tra thịt trắng, thịt vàng thì thấp hơn. Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa Việt Nam cùng với bộ chúng tôi và các tỉnh ĐBSCL đã thống nhất, bàn bạc các biện pháp để xóa đi mối bất hòa giữa doanh nghiệp và người nuôi cá. Đồng chí Nguyễn Hoàng Việt, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, kiêm Trưởng ban Điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa VN đề nghị UBND các tỉnh cần gấp rút bàn bạc với các doanh nghiệp trên địa bàn của mình để tìm nguyên nhân vì sao giá cá lên xuống bất thường để có biện pháp lâu dài ứng phó và khắc phục tình trạng này...

Bộ Thủy sản đánh giá cao Công ty cổ phần Agifish An Giang đã liên kết từ nhà máy đến người nuôi, nhà cung cấp giống, thức ăn và thuốc thành một mối và cùng chia sẻ lợi nhuận với nhau. Đây là mô hình đã được thống nhất lựa chọn. Agifish mua vào với giá từ 12.500 đồng/kg trở lên, như thế cả hai bên, người nuôi và người mua đều có lợi, đều cùng tồn tại ổn định. Với con tôm, xuất nhập khẩu lâm-thủy-sản của tỉnh Bến Tre cùng tạo dựng được mô hình như Agifish.
- Về lâu dài, ngành thủy sản có phương hướng gì cho chiến lược ổn định mặt hàng cá tra, cá ba sa của ĐBSCL?
- Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo Vụ Kế hoạch-Tài chính của bộ làm việc với các bộ phận có liên quan của các bộ Tài chính, Thương mại… để có quy chế đối với các doanh nghiệp vi phạm các cam kết kinh doanh. Nếu chúng ta đã từng tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp cho đất nước thì không có lý gì lại làm ngơ, không có ý kiến với các doanh nghiệp không tôn trọng cam kết, ép giá, “bẻ kèo” trong quá trình kinh doanh. Ngành thủy sản chúng tôi cũng phải tiến hành các nghiên cứu, đánh giá lại các hoạt động sản xuất trên khu vực Mê Công. Nuôi bao nhiêu là vừa, quản lý môi trường như thế nào, cấp giấy phép sản xuất cho những hộ có hợp đồng kinh tế bảo đảm như thế nào…, tất cả những vấn đề đó phải được làm trong những năm tới để ổn định và bền vững cho nghề nuôi cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL. Thông tin kinh tế nghề cá cũng là một vấn đề cấp bách cho người nuôi cá ở ĐBSCL. Thiếu thông tin sẽ khiến bà con nuôi cá hoang mang. Trang bị máy móc kiểm tra chất lượng cũng là vấn đề rất cấp bách. Nhiều khi vì không có máy móc kiểm tra, người nuôi cũng bị ép giá, nếu chỉ căn cứ vào những đánh giá chất lượng của bên mua… Tổ chức Hội ở TƯ và các địa phương như Hội Thủy sản An Giang chẳng hạn, sẽ có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động kinh doanh nghề cá ở ĐBSCL những năm tới.
- Cảm ơn Thứ trưởng.
LÊ PHÚ KHẢI thực hiện