Người phụ nữ hết lòng với công tác xã hội từ thiện

Người phụ nữ hết lòng với công tác xã hội từ thiện

Lẽ ra, với tuổi gần 70, bà Nguyễn Thị Phương ở khu phố 4, phường 10, quận 3 an nhàn vui hưởng tuổi già với các con cháu trong gia đình, nhưng dường như bà vẫn còn nặng nợ với công tác xã hội từ thiện nên dành hết quỹ thời gian rảnh sau khi nghỉ hưu để làm công tác xã hội từ thiện, chăm lo cho những cụ già neo đơn, trẻ mồ côi bất hạnh và cả những người lầm lỡ.

Bà Nguyễn Thị Phương phát cơm cho các bạn sinh viên vùng lũ ở Quảng Bình và Nghệ An đang học tại TPHCM. Ảnh: Từ Thiện

Bà Nguyễn Thị Phương phát cơm cho các bạn sinh viên vùng lũ ở Quảng Bình và Nghệ An đang học tại TPHCM. Ảnh: Từ Thiện

Xuất phát từ tình hình địa phương còn phức tạp, nhiều thanh thiếu niên không lo học hành và chí thú làm ăn mà lao vào ăn chơi, hút chích, bà đã suy nghĩ, trăn trở và được chính quyền địa phương ủng hộ nên quyết định đi vận động những thanh niên nghiện ngập đi cai nghiện. Lúc đầu họ phản đối quyết liệt, có những đối tượng còn chửi bới, xúc phạm. Có lần bà bị những con nghiện lên cơn đánh đến gãy tay trong lúc giúp họ cai nghiện tại gia, nhưng bà không nản lòng. Lòng nhiệt thành của bà rồi cũng được đền đáp. Những em nghiện nặng đã tìm đến nhờ bà giúp đưa đi cai nghiện. Có trường hợp cả hai vợ chồng đều bị nghiện, bà giúp vợ chồng họ đi cai nghiện và sẵn sàng nhận luôn việc chăm sóc con cái cho họ yên tâm làm lại cuộc đời. Kết quả sự tận tâm của bà là hơn 100 người nghiện trở về với cuộc sống bình thường, chí thú làm ăn, khu phố 4 trở thành khu phố văn hóa.

Ngoài những việc làm trên, bà Phương còn thành lập bếp ăn từ thiện giúp cho những người nghèo, cụ già neo đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật, những người bệnh tâm thần… Tôi được gặp và quen với bà trong những lần bà đến Báo SGGP vận động xin tiền, thực phẩm để chăm lo cho bếp ăn từ thiện tại 44 Rạch Bùng Binh phường 10, quận 3.

Bà đi gõ cửa những mạnh thường quân, những nơi quen biết để xây dựng bếp ăn từ thiện phục vụ bữa trưa cho những người nghèo, người cơ nhỡ, học sinh, sinh viên. Để có thêm thu nhập, bà Phương thành lập tổ làm giá sạch, tổ xe ôm. Riêng cá nhân bà Phương, từ năm 1997 đến nay, hàng tháng bà đều góp gần 4 triệu đồng từ tiền trợ cấp và tiền các con cháu cho để ủng hộ bếp ăn.

Với 13 năm hoạt động, bếp ăn từ thiện của bà hàng ngày phục vụ cho hơn 60 suất ăn. Ngoài ra, bà còn đi vận động các nhà hảo tâm tiền mua thẻ BHYT cho người nghèo, sửa và xây nhà tình thương, giúp các cháu bị tim bẩm sinh có điều kiện chữa bệnh. Đáp lại tấm lòng nhân hậu, tận tâm của bà, có nhiều em sinh viên đã phấn đấu học tập, tốt nghiệp loại khá giỏi, có em phấn đấu học đến cao học như em Đỗ Thị Kim Ngân và em Nguyễn Thị Thủy ở khu phố 4; cũng có em phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp quận, có việc làm ổn định, quay lại giúp bà chăm lo cho bếp ăn từ thiện.

Cách đây mấy ngày, bà gọi điện cho Báo SGGP xin tiếp sức vì bếp ăn từ thiện gần đây có thêm nhiều em sinh viên gia đình ở vùng lũ lụt miền Trung đang gặp khó khăn. Bà rất xót xa nhưng không dám nhận lời hết vì không lo nổi kinh phí. Chia sẻ trước nỗi lo của bà, Báo SGGP đã ủng hộ 300kg gạo từ bạn đọc đóng góp để bà có điều kiện chăm lo cho các em sinh viên có điều kiện ăn uống, chăm lo học tập tốt.

Gần 20 năm tận tâm với công tác xã hội từ thiện, bà đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM về công tác xã hội. Với lòng luôn luôn hướng về người nghèo, về những mảnh đời bất hạnh, bà mong mỏi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân gần xa cùng chung tay góp sức với bà chăm lo cho các cụ già neo đơn, trẻ mồ côi, những học sinh, sinh viên nghèo… có được những bữa cơm ấm lòng nhân ái.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục