Đó là ông Nguyễn Tất Hiển, 76 tuổi, từ mấy chục năm nay đã sưu tầm, lưu giữ và bảo quản hàng trăm bức tranh, ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một ý nguyện, để lại cho các thế hệ cháu con chút tư liệu về tầm vóc vĩ đại của Bác Hồ…
Trong nhà nhỏ số 136 đường Tôn Thất Đạm, quận 1, TPHCM, ông Hiển đã dành hẳn một vị trí trang trọng để trưng bày những bức tranh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn tôi lên căn gác nhỏ rộng chưa đến 10m2, ông Hiển tự hào chỉ vào những bức tranh đang treo kín trên bốn bức tường khoe: “Đây là toàn bộ gia tài của tôi. Những bức tranh về Bác được tôi thiết kế, chế bản rồi nhờ thợ mộc ở Bình Dương chạm trổ, khảm xà cừ, khảm trai, ốc để làm tăng vẻ đẹp trang trọng cho tranh…”. Nhìn những bức tranh về Bác được thiết kế công phu treo trên bốn bức tường khiến mọi người không khỏi cảm phục sự tỉ mỉ của ông và càng thấy rõ tình cảm, sự kính yêu của ông đối với Bác Hồ.
Ông vốn là bộ đội Cụ Hồ trong những năm kháng chiến chống Pháp. Năm 1962, ông chuyển ngành. Từ đấy, ông bắt đầu có ý thức và dụng công tìm hiểu và sưu tầm những bức ảnh về Bác. Sưu tầm được bức ảnh nào ông đều lưu giữ cẩn thận. Bằng một tình yêu chân thành, sự kính phục sâu sắc đối với cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã miệt mài lưu giữ và từ đó sáng tạo thêm nhiều bức tranh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, ông Hiển còn nghiên cứu, tìm hiểu ý nghĩa các tên gọi của Bác. Trong quá trình hoạt động cách mạng Bác Hồ sử dụng nhiều bí danh, mỗi bí danh đều có ẩn ý thâm thúy… Từ đấy, ông Hiển dụng công tìm hiểu, chiết tự để tìm những “ẩn số” đó. Như tên gọi Hồ Chí Minh có nghĩa bao quát là người chí sĩ có nhiệt tâm luôn sáng suốt. Từ “Hồ” do chữ Cổ và chữ Nguyệt ghép lại, từ “Chí” do chữ Sĩ và chữ Tâm đặt chồng lên nhau, từ “Minh” gồm chữ Nhật và chữ Nguyệt ghép lại. Riêng từ Hồ (Cổ, Nguyệt), ông vận vào hai câu thơ thất ngôn trong bài thơ “Bả tửu vấn Nguyệt”(Nâng cốc hỏi trăng) của Lý Bạch, nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc:
“Cổ nhân bất thức kim thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân”
(tạm dịch: Người xưa không biết mặt trăng hôm nay. Mặt trăng ngày nay đã từng soi sáng người xưa). Hồ Chí Minh là tên gọi mang ý nghĩa khẳng định đức tin, phẩm giá của một vị lãnh tụ cách mạng.
Gần trăm bức tranh chân dung Bác Hồ với nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, khảm xà cừ, trai, ốc… đều được ông trang trí, đóng khung tỉ mỉ. Suốt mấy mươi năm cần mẫn nghiên cứu, ông Hiển luôn tâm niệm: “Việc làm của tôi không nằm ngoài ý nghĩa là lưu giữ lại những tư liệu cho thế hệ sau. Mong rằng những bức tranh và những bài nghiên cứu về những tên gọi mà Bác Hồ từng sử dụng sẽ giúp cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về tầm vóc vĩ đại của Bác…”.
THANH AN