Người tiêu dùng chưa được bảo vệ quyền lợi

Chính quyền không triển khai thực hiện
Người tiêu dùng chưa được bảo vệ quyền lợi

Trong bài “Doanh nghiệp làm ngơ” đăng trên số báo ra ngày 25-11-2013, Báo SGGP đã nêu thực trạng quyền lợi của người tiêu dùng liên tục bị xâm phạm, doanh nghiệp không thực hiện đúng trách nhiệm bảo hành sản phẩm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD). Vì sao đã hơn 2 năm thực thi nhưng luật này vẫn chưa phát huy tác dụng, vi phạm diễn ra tràn lan?

Khách hàng liên hệ bảo hành điện thoại tại Trung tâm Bảo hành Nokia quận 3, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Khách hàng liên hệ bảo hành điện thoại tại Trung tâm Bảo hành Nokia quận 3, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Chính quyền không triển khai thực hiện

Luật BVQLNTD có liên quan rộng lớn đến nhiều đối tượng. Không chỉ đối tượng khách hàng là người tiêu dùng (NTD) hàng hóa của các siêu thị, còn có cả khách hàng của các dự án nhà ở, khách hàng sử dụng các dịch vụ khác. Thế nhưng có một thực tế đáng trách là các cơ quan chức năng không quan tâm triển khai thực thi luật. Điều 26 Luật BVQLNTD quy định, cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD cấp huyện có trách nhiệm xử lý khiếu nại của NTD. Vậy mà hiện nay chưa có quận, huyện nào thành lập tổ chức tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của NTD.

Luật BVQLNTD cũng quy định rõ ngành công thương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại - tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về BVQLNTD. Nghị định 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVQLNTD quy định cụ thể: Bộ Công thương có trách nhiệm xử lý vi phạm mà vụ việc liên quan đến 2 tỉnh trở lên; Sở Công thương có trách nhiệm xử lý vụ việc liên quan từ 2 huyện trở lên; UBND cấp huyện xử lý vi phạm trong phạm vi địa bàn của mình. Ngoài ra, Điều 23 Nghị định 99/2011/NĐ-CP cũng quy định các cơ quan quản lý nhà nước kể trên có trách nhiệm công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi NTD. Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan BVQLNTD. Thế nhưng, đến nay, chưa cơ quan chức năng nào làm tốt nhiệm vụ của mình, không kịp thời phát hiện, xử lý và công khai những vi phạm để người dân biết.

Bạn đọc Nguyễn Đình Ngọc (ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) bức xúc: “Hiện nay, DN bán hàng thật giả lẫn lộn, các hành vi vi phạm Luật BVQLNTD diễn ra khắp nơi, nếu các cơ quan chức năng công bố danh sách doanh nghiệp vi phạm, NTD sẽ đỡ bị thiệt hại quyền lợi, làm sạch thị trường hơn. Bởi không ai muốn mua hàng xong phải tốn công đi kiện, nên việc công khai danh sách DN vi phạm sẽ giúp NTD cảnh giác phòng tránh”.

Tòa án không biết

Khi quyền lợi bị ảnh hưởng, tòa án là con đường cuối cùng NTD lựa chọn. Thế nhưng, con đường này cũng bị… nghẽn. Anh Đỗ Phước T. (quận Bình Thạnh, TPHCM) đi uống cà phê thì bị quán làm mất xe. Anh được Hội BVQL NTD hướng dẫn nộp đơn ra tòa. Đây là hoạt động dịch vụ gửi - giữ xe giữa khách hàng với cửa hàng, là đối tượng của Luật BVQLNTD, nhưng TAND quận Bình Thạnh lại không chấp nhận xem anh T. là NTD để được hưởng các quyền lợi miễn tạm ứng án phí, trong khi Điều 41 Luật BVQLNTD đã ghi rõ: “Vụ án dân sự về BVQLNTD là vụ án mà bên khởi kiện là NTD…”.

Tương tự vậy, hiện nay nhiều khách hàng mua căn hộ nhưng chủ đầu tư chậm bàn giao, dẫn đến khiếu nại tập thể. Đây là vấn đề nóng hiện nay. Hội Bảo vệ NTD TPHCM đã tiếp và hòa giải nhiều vụ khiếu nại đông người, nhưng phần lớn chủ dự án hết tiền nên không hòa giải được, đành đưa ra tòa. Bộ phận pháp chế của Hội Bảo vệ NTD TPHCM hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa theo đúng quy định Luật BVQLNTD, nhưng tòa lại không thực hiện theo luật. Chẳng hạn như vụ NTD kiện chủ dự án Nhật Quang vì giao nhà chậm, tòa yêu cầu phải nộp án phí thì mới thụ lý. Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TPHCM, cho biết: “Vai trò của hội chủ yếu là hòa giải, khi không thành mới cần tới tòa, nhưng hiện nay các cơ quan chức năng chưa thực hiện nhiệm vụ của mình theo Luật BVQLNTD”.

Mặc dù khoản 2 Điều 43 Luật BVQLNTD quy định: NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án, không cần phải chứng minh lỗi của người kinh doanh và được xét xử theo thủ tục rút gọn nhưng tòa án vẫn cứ buộc NTD nộp án phí và xử lý vụ án theo thủ tục thông thường. Các cán bộ tòa án cho rằng do chưa được cấp trên hướng dẫn triển khai thực hiện Luật BVQLNTD nên không biết để thực hiện. Do vậy, các quy định khác như: NTD khiếu kiện không phải chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh; được giải quyết theo thủ tục đơn giản khi giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng… đều không được tòa án xét đến. Nói như bạn đọc Nguyễn Văn Hoàng (quận Bình Thạnh, TPHCM): “Ngay cả tòa mà không thực hiện theo luật thì khách hàng còn biết dựa vào đâu?”.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục