Nguồn cung hàng hóa thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu của người dân

Kiểm kê, rà soát, tổng hợp về tình hình, khả năng dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công thương đưa ra đánh giá, thị trường đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như thóc gạo, rau củ, thịt cá, đường sữa, giấy... cho cả năm 2020.

Sáng nay 13-3, văn phòng Bộ Công thương đã thông tin về tình hình nguồn cung, thị trường hàng hóa, thực phẩm trên cả nước trong tháng 3 và suốt các tháng còn lại của năm 2020. 

Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị hiện nay. Ảnh: Bộ Công thương

Theo Bộ Công thương, sau khi nguồn cung thực phẩm gia tăng, cơ quan này đã đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, đầu mối cung ứng hàng hóa... báo cáo về khả năng chuẩn bị, đáp ứng các mặt hàng thiết yếu trên cả nước để kịp thời bình ổn thị trường. 

Đến nay, các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng đã có báo cáo về nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước trong năm 2020. Cụ thể:

Về mặt hàng lương thực, ước tính sản lượng thóc năm 2020 có thể đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước chỉ khoảng 19-20 triệu tấn (dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn).

Theo lực lượng quản lý thị trường - Bộ Công thương, tại các siêu thị hiện nay có rất nhiều hàng hoá

Về mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn; thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn.

“Với lượng tổng cung các loại thịt như trên là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm” - Bộ Công thương nhận định.

Từ siêu thị lớn đến đại lý nhỏ, các mặt hàng tiêu dùng đều ăm ắp

Về mặt hàng rau quả, diện tích rau sản xuất hiện nay là 960.000ha (tương đương năm 2019), sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100.000 tấn so với năm 2019). Tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Về mặt hàng đường, sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường. Công suất của các nhà máy có thể đạt 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, do lo ngại đường nhập khẩu năm nay sẽ tăng sau khi Hiệp định ATIGA được áp dụng nên các nhà máy phải cắt giảm sản xuất. Tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 300.000 tấn, cùng với lượng đường nhập khẩu tăng khi chính sách thuế nhập khẩu giảm mạnh được áp dụng từ năm 2020, nguồn cung đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Mặt hàng thịt heo đang đắt nhưng theo rà soát, lượng heo còn rất lớn

Mặt hàng giấy, dự kiến năm 2020, tổng lượng sản xuất giấy các loại đạt khoảng 5,093 triệu tấn; tổng lượng nhập khẩu giấy các loại đạt khoảng 3,613 triệu tấn; tổng lượng xuất khẩu giấy các loại đạt 1,097 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng giấy các loại đạt khoảng 6,070 triệu tấn.

Về thuốc chữa bệnh, ước tính năm 2020, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt 2.900 triệu USD, trị giá thuốc nhập khẩu ước đạt 4.350 triệu USD, trị giá thuốc xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD. Như vậy, kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020, ước khoảng 6.235 triệu USD.

“Như vậy có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân” - Bộ Công thương đưa ra đánh giá. 

Tin cùng chuyên mục