Gần đây, bạn đọc liên tục gửi thư và điện đến đường dây nóng Báo SGGP, phản ánh hố ga trên nhiều tuyến đường ở nội và ngoại thành TPHCM bị mất, hỏng nắp, che đậy sơ sài… gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện qua lại. Vì đâu có những cái bẫy chết người như thế?
- Nhan nhản “bẫy”
Ghi nhận của PV Báo SGGP, trên đoạn đường chỉ 100m tuyến quốc lộ 1A (đoạn trước KCN Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) nhưng có đến hai “bẫy” hố ga nằm giữa lộ. Một là hố ga ở ngã ba quốc lộ 1A và đường số 7 bị đơn vị thi công đường số 7 tháo nắp xả nước nhưng đậy lại sơ sài, để trống 2/3 miệng hố từ nhiều tháng qua.
Vào các giờ cao điểm sáng chiều, công nhân qua lại đông, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cách hố ga này 100m về hướng vòng xoay An Lạc, một hố ga khác bị mất nắp từ lâu, rộng 1m2, sâu gần 2m như một “bẫy” chết người, nhất là vào ban đêm, những khi trời mưa gió. Đã có nhiều trường hợp công nhân làm việc ở Công ty Pouyuen (KCN Tân Tạo) suýt lọt xuống “hố tử thần” này sau giờ tan ca tối.
Dọc quốc lộ 1A đoạn qua phường Linh Trung, quận Thủ Đức cũng tồn tại hàng loạt hố ga không nắp. Người dân điện báo thì đơn vị quản lý hệ thống hố ga trên tuyến đường này đến cắm nhiều cây khô và buộc dây nhựa quanh một số miệng hố, các hố còn lại được đậy chiếu lệ bằng cách đặt những mảng bê tông lên miệng hố cao hơn mặt đường 20cm.
Vào lúc 17 giờ 30 ngày 17-5, anh Võ Duy Hưng (ngụ phường 9, quận Tân Bình) lưu thông trên cầu Cống Dinh, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè khi đổ dốc cầu, bất ngờ thắng gấp khi nhìn thấy phía trước có hố ga mất nắp, khiến anh ngã nhào xuống đường, người xây xát, xe máy hư hỏng.
Không chỉ ở ngoại thành, “bẫy” hố còn tồn tại cả ở nội thành. Trên tuyến đường Võ Văn Kiệt qua các quận 5 và 6, mặt trên của đường cống hộp ở hai bên làn đường dân sinh cũng bị xe tải, xe ben cán bể nát, lộ ra những hố sâu nguy hiểm. Tương tự, người dân sống trên đường Bà Huyện Thanh Quan (phường 7, quận 3) cũng bức xúc trước tình trạng hố ga trước nhà số 54B bị mất nắp cả tháng qua nhưng không thấy đơn vị chức năng đến lắp đặt nắp mới.
- Đâu là nguyên nhân?
Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Vì đâu bẫy hố ga xuất hiện hàng loạt như thế? Hậu quả sẽ như thế nào nếu ngành chức năng không sớm có biện pháp khắc phục? Trách nhiệm thuộc về ai khi có sự cố tai nạn xảy ra? Qua tìm hiểu và trao đổi với các đơn vị chức năng, chúng tôi được biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên phải nói đến cách làm bê bối của một số đơn vị thi công công trình đào đường, làm mới các tuyến đường, hẻm.
Trên thực tế, trong quá trình thi công, các đơn vị này thường tháo nắp hố ga để lấy và xả nước, tuy nhiên khi thi công xong thì không lắp đặt lại về vị trí cũ, một số đơn vị gắn sơ sài, không đúng như ban đầu. Do đó khi phương tiện qua lại cán lên gây vỡ, vài ngày hố lại “há miệng”.
Một nguyên nhân khác, trên nhiều tuyến đường nắp hố ga được thiết kế làm bằng bê tông nhưng rất mỏng, không thể chịu lực được các phương tiện có tải trọng lớn, dễ bị vỡ sau một thời gian ngắn. Các loại nắp hố ga bằng thép hoặc bê tông có bao khung thép thì thường xuyên bị một số người dân thiếu ý thức lấy cắp để bán ve chai hoặc sử dụng làm vật dụng riêng.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ ngành giao thông, đơn vị quản lý hệ thống cống thoát nước cần có biện pháp theo dõi, thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống cống, nắp hố ga, xử lý các đối tượng tháo nắp, lấy cắp.
Cũng cần quy định xử phạt nặng những ai mua bán vật liệu của các công trình công cộng. Khi phát hiện có sự cố hư hỏng, mất nắp cần sớm có biện pháp xử lý ngay, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
TUẤN VŨ