Nguyễn Đình Chiểu dùng ngòi bút dạy đạo và thể hiện tấm lòng ái quốc yêu dân

Sáng 29-6, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ VH-TT-DL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 – 1-7-2022).
Hội thảo với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong nước, quốc tế. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG 
Tham dự hội thảo có ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM.
Về phía Việt Nam, đến dự có các đồng chí: Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; lãnh đạo các tỉnh và đông đảo các nhà khoa học trong nước, quốc tế.
Nguyễn Đình Chiểu dùng ngòi bút dạy đạo và thể hiện tấm lòng ái quốc yêu dân ảnh 2 Ngài Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; cùng ngài Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM tham dự hội thảo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: danh nhân Nguyễn Đình Chiểu thể hiện bản lĩnh của nhà nho uyên thâm, dùng ngòi bút làm vũ khí để bày tỏ quan điểm yêu nước, yêu dân. Ông hết lòng dạy chữ cho học trò; hết lòng vì người bệnh khi là thầy thuốc; khi là nhà thơ, ông đã dùng ngòi bút để dạy đạo, thể hiện tấm lòng ái quốc yêu dân qua các tác phẩm thơ, thơ điếu, văn tế. 
Theo dòng chảy của thời gian, tác phẩm và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào lịch sử, văn học, văn hóa - nghệ thuật, vào đời sống của người dân Nam bộ, trong nước và nước ngoài. Ngay lúc sinh thời, những tác phẩm của ông cũng đã được người Pháp giới thiệu.
Nguyễn Đình Chiểu dùng ngòi bút dạy đạo và thể hiện tấm lòng ái quốc yêu dân ảnh 3 PGS.TS Pascal Bourdeaux trình bày tham luận Nguyễn Đình Chiểu từ góc nhìn phương Tây và Pháp ngữ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nguyễn Đình Chiểu dùng ngòi bút dạy đạo và thể hiện tấm lòng ái quốc yêu dân ảnh 4 GS danh dự Jeon Hye Kyung so sánh kết cấu truyện Lục Vân Tiên của Việt Nam và Chun-Hyang Jeon của Hàn Quốc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trình bày tham luận và có bài viết trong kỷ yếu hội thảo, các nhà khoa học tập trung vào các nội dung: Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử Việt Nam, khu vực và quốc tế nửa sau thế kỷ XIX; Thơ Nguyễn Đình Chiểu với vận mệnh quốc gia, số phận con người trong chiến tranh qua nghệ thuật văn chương; Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu; Tư duy tiến bộ về giải phóng con người trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; Đổi mới lý thuyết và cách tiếp cận truyện Nôm, văn tế và thơ Đường luật của Nguyễn Đình Chiểu; Nhìn lại văn bản công bố tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trong nước và nước ngoài; Nhân cách văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, những giá trị văn hóa trường tồn; Di sản Nguyễn Đình Chiểu và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, du lịch danh nhân ở Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng.
Nguyễn Đình Chiểu dùng ngòi bút dạy đạo và thể hiện tấm lòng ái quốc yêu dân ảnh 5 Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu. Ảnh: TÍN HUY
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, cho biết: Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” là một trong những hoạt động quan trọng của tỉnh Bến Tre, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Qua đây, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre mong muốn UNESCO, các quốc gia thành viên của UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thơ văn của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xứng tầm với danh hiệu cao quý được công nhận, vinh danh ở tầm quốc tế. Đồng thời, đề nghị đưa kỷ niệm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức cấp Nhà nước vào những năm chẵn, năm tròn theo quy định hiện hành.

Dự kiến, ngày 30-6, sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu tại di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri). Trước đó, đã diễn ra nhiều hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện như triển lãm ảnh Nguyễn Đình Chiểu - cuộc đời và sự nghiệp; ra mắt sách Nguyễn Đình Chiểu – Danh nhân văn hoá thế giới; Giải Bến Tre Marathon 2022; Xác lập kỷ lục 222 món ăn từ dừa tại Bến Tre cùng nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ khác.

Tin cùng chuyên mục