
Nguyễn Du (1765-1820) là người tiêu biểu, kết tinh của chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam. Nguyễn Du là người đã lấy con người, quyền sống và phẩm giá con người làm tiêu điểm nghệ thuật. Hơn thế, Nguyễn Du còn soi rọi ngọn đèn thơ của mình vào thế giới bên trong sâu thẳm của con người, với những đối thoại, những độc thoại nội tâm, những tự ý thức... - một dạng thức của con người hiện đại.
Từ Thanh Tâm tài nhân qua Truyện Kiều, Nguyễn Du không những đã thay đổi thể loại (“tôi không viết tiểu thuyết, mà viết tiểu thuyết bằng thơ, một sự khác biệt khủng khiếp” - thi hào Nga Pushkin, người viết truyện thơ, từng nói thế); mà quan trọng hơn, thay đổi cả cảm hứng chủ đạo, thay đổi cách nhìn con người và thay đổi điểm nhìn khi thể hiện.

Khu mộ Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: V.A.
Có thể xem chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du tương ứng với chủ nghĩa nhân đạo thời Phục hưng châu Âu với những thiên tài - mẹ (génie-mère) như Cervantes, Shakespeare… Thời đại Phục hưng là một đặc sản của văn hóa châu âu, biểu hiện của tư trào tư tưởng chống phong kiến, chống giáo hội, chinh phục tự nhiên và khẳng định nhân cách, khẳng định cá nhân, khẳng định con người - trung tâm của lịch sử và vũ trụ.
Ở phương Đông chúng ta, đặc biệt ở Việt Nam, trong thời kỳ cuối của lịch sử trung đại, Nguyễn Du đã bước một chân sang một thời đại mới có tố chất Phục hưng. Điều này là có thể, bởi vì viện sĩ Kônrát của Nga có luận điểm cho rằng từ đời Đường (thế kỷ 8-9) văn học Trung Hoa đã bước vào thời đại Phục hưng.
Luận điểm gây tranh cãi này của ông đáng cho ta ngẫm nghĩ: Vì nếu phương Đông, do những tích lũy lâu đời của tư tưởng nhân đạo, đã có thể vượt qua những điều kiện kinh tế để đi vào giai đoạn Phục hưng sớm, thì đó là cái vĩ đại của văn hóa, văn học phương Đông. Nguyễn Du chậm hơn, nhưng với nhân tố Phục hưng, Nguyễn Du vĩ đại sánh ngang các thiên tài - mẹ khác của nhân loại.
Thời xưa, việc mượn một cốt truyện, rồi “đoạt thai hoán cốt”, viết nên một tác phẩm của mình là chuyện thường tình. Shakespeare đã từng làm thế, Corneille đã từng làm thế - Truyện Kiều có nguồn gốc từ Kim Vân Kiều truyện, đó là điều rõ ràng. Nhưng ở Trung Hoa, dù Kim Vân Kiều truyện có ảnh hưởng và ảnh hưởng đó thậm chí còn lan sang Nhật, Triều Tiên... Kim Vân Kiều truyện vẫn không được xem là một kiệt tác.
Trái lại, từ Việt Nam, qua Nguyễn Du, Truyện Kiều đã đi vào dân tộc và nhân loại với chủ nghĩa nhân văn tầm cao và chiều sâu, với một nghệ thuật tuyệt diệu. Nguyễn Du đã “tập đại thành” toàn bộ nền văn hóa dân tộc và nhân loại thời đại ông. Nguyễn Du đã tiếp nhận tinh hoa của văn học Trung Hoa, tiếp nhận thơ Đường, đặc biệt Đỗ Phủ - “bậc thầy thơ nghìn đời” như ông đánh giá.
Và chủ nghĩa nhân đạo của Đỗ Phủ và Nguyễn Du là ngang nhau, bổ sung cho nhau; tất cả đều hướng đến số phận con người, nhân cách con người, sự vươn lên hoàn thiện nhân cách - chứ không phải chỉ là cá nhân - trong một hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt. Thơ Đường, thơ Đỗ... đã tan ra, bàng bạc trong Truyện Kiều, làm nên cái chất thơ trác việt mà nhân loại chỉ được nếm qua một thời đại.
Truyện Kiều, với tư cách là một tiểu thuyết - một câu chuyện kể với nhân vật và ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện, điểm nhìn người kể chuyện và sự di chuyển hết sức linh động điểm nhìn nghệ thuật..., là ngang tầm với những đỉnh cao của tiểu thuyết Minh - Thanh như Hồng Lâu mộng của Tào Tuyết Cần (1724-1764) “miêu tả nỗi lòng tương tư, tâm trạng bối rối, hy vọng xen thất vọng, niềm vui xen nỗi buồn, chú ý đến tâm lý của từng nhân vật - đó là cái mới của Tào Tuyết Cần đem đến cho tiểu thuyết Trung Quốc và đó là cái làm cho tác phẩm của ông là thành tựu vĩ đại của văn học Trung Quốc thế kỷ 18” (Fisman, Văn học Trung Quốc trong Lịch sử văn học thế giới, 1988). Truyện Kiều cũng mới, cũng vĩ đại như vậy.
Nhưng điều quan trọng nhất, Truyện Kiều là trái cây của thời đại Nguyễn Du trong lòng dân tộc. Nó là tiếng Việt được mài giũa, sáng tạo qua hàng ngàn năm mất nước, qua Nguyễn Trãi, Hồng Đức,... và đến Truyện Kiều, nó trở nên “thiên thu tuyệt diệu từ”, trở thành “tiếng thương như tiếng mẹ ru”, trở thành dân tộc.
Đó là tiếng của văn hóa bác học, của tinh hoa Hán học, cổ thi; nhưng cái chính đó là tiếng nói của văn hóa dân gian, của ca dao - tục ngữ, của quan họ phường vải, lời ăn tiếng nói của bà mẹ Việt Nam bình dân nâu sồng áo vải. Nguyễn Du từng viết: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ - Dã khốc thời văn chiến phạt thanh” (Trong tiếng hát nơi thôn dã ta học được lời của người trồng dâu gai - Trong tiếng khóc nơi đồng nội ta nghe tiếng dội của chiến tranh). “Lời quê chắp nhặt”, Nguyễn Du đã tinh luyện và nâng cao tiếng Việt để diễn đạt hồn Việt thương đau...
Văn hóa dân gian, nền tảng của Truyện Kiều, không phải chỉ ở lời. Tất cả đạo đức, tình cảm, ứng xử, thế giới bên trong... của nhân vật Truyện Kiều được hình thành trên cơ sở của nền văn hóa dân gian Việt Nam… Triết lý Truyện Kiều cũng vậy. Lần lượt cái triết học Nho, Phật, Lão... đến ẩn mình trong Truyện Kiều.
Nhưng đó là một đạo Nho dung dị, bình dân đến nỗi Vương ông, một đại biểu của Nho giáo, chấp nhận tình yêu tự do của con gái: “Này cha làm lỗi duyên mày - Thôi thì nỗi ấy sau này đã em”. Phật giáo trong thơ chữ Hán Nguyễn Du cao xa là thế, “vô tự thị chân kinh”, thế mà trong Kiều thì đó lại là thứ Phật giáo bình dân, nhân quả rõ ràng, ân đền oán trả... để rồi kết thúc: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...”.
Những vấn đề chung quanh Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Thơ chữ Hán... còn nhiều hướng đọc, hướng tiếp cận khác nhau. Cần phải nghiên cứu thi pháp, văn bản, tiểu sử, nghiên cứu so sánh, cần phải đặt tác phẩm Nguyễn Du vào thời đại chúng ta... Thời đại đang chuyển động và Truyện Kiều - Nguyễn Du cũng không dừng lại.
Nhưng có một cách đọc hiểu Nguyễn Du trên bình diện bao quát nhất. Theo Feliks Kuznesov, Viện sĩ, Viện trưởng Viện Văn học thế giới M.Gorki, ba nhân vật vĩ đại nhất của văn học Nga thế kỷ 19 từng định đoạt sự phát triển tinh thần của nhân dân Nga là Gogol, Dostoievski, Tolstoi... Đó không chỉ là những nhà văn, mà còn là những nhà tư tưởng lớn nhất của Nga thế kỷ 19, những người bị dằn vặt bởi những vấn đề tâm linh con người, những vấn đề sinh tồn mang tính chất bản thể luận.
Nguyễn Du phải chăng là một trong những giai đoạn phát triển tư tưởng, tinh thần, tâm linh và tồn tại của người Việt, đặc biệt là vấn đề con người, cái bên trong con người, nhân cách con người, lương tâm đạo đức con người,... Và nếu vậy, Nguyễn Du xứng đáng được nghiên cứu trên tầm bản thể luận.
“Cách tiếp cận mới đối với việc lý giải di sản nghệ thuật của các thiên tài văn học Nga được hình thành hiện nay, đó trước hết là cách tiếp cận sinh tồn, cách tiếp cận bản thể luận”, F.Kuznersov viết. Giá trị tinh thần của con người và xã hội, vấn đề ý nghĩa cuộc sống, vấn đề lý giải sự tồn tại, vấn đề lương tâm như là vấn đề chủ yếu trong hệ thống giá trị đạo đức: sống để làm gì và sống như thế nào?... Cách đặt vấn đề tiếp nhận giá trị cổ điển Nga như thế đặt ra cho chúng ta phương hướng đọc Nguyễn Du, tiếp cận Nguyễn Du không xa lạ gì với phương pháp nghiên cứu kinh điển mà chúng ta theo đuổi.
Đây có thể xem là hướng tiếp cận tổng quát về Nguyễn Du, cách đọc Nguyễn Du cơ bản mà chúng ta hướng đến.
TS Mai Quốc Liên