Giải thưởng Tôn Đức Thắng

Nguyễn Hữu Hòa: 20 năm trăn trở cùng nông dân

ảnh
Nguyễn Hữu Hòa: 20 năm trăn trở cùng nông dân

“Từ 1987 đến tháng 8-1999 công tác tại Viện Nghiên cứu cà phê Eakmat (nay là Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên ở Đắc Lắc), rồi là nhân viên nghiên cứu, trưởng dự án bắp nếp của Công ty Giống cây trồng miền Nam, rồi Giám đốc Trại giống cây trồng Tân Hiệp, Bình Dương. Hơn 20 năm qua, tôi đồng hành cùng nông dân như vậy đó”- Th.S nông nghiệp Nguyễn Hữu Hòa (ảnh) mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Hành trình gây giống bắp lai Việt Nam

Đang làm yên ổn ở Đắc Lắc, mẹ anh ngã bệnh. Đưa mẹ vào TPHCM chữa trị, bệnh bà chấm dứt, anh quyết định: chuyển hẳn vào Nam. Anh xin vào Công ty Giống cây trồng miền Nam khởi đầu bằng công việc nhân viên nghiên cứu cây bắp.

Nguyễn Hữu Hòa: 20 năm trăn trở cùng nông dân ảnh 1

Hàng ngày lân la các cánh đồng ở miệt Bình Chánh, Long An…, anh cứ trăn trở mãi việc nông dân phải mua lại giống bắp lai của nước ngoài với giá rất cao: 160.000đồng/kg. Hộ ít tiền thì sử dụng loại giống bắp nếp địa phương hoặc một số giống lai không tiên tiến nên độ đồng đều của sản phẩm không cao, không đều, bị thương lái ép giá.

Chia sẻ với nỗi bức xúc của người dân, anh bắt tay cùng những cộng sự thực hiện dự án nghiên cứu và sản xuất thử giống bắp nếp lai đơn MX10 (năm 2000). Không ít người bảo anh rồ vì bắp nếp rất khó tạo ra lai đơn vì dòng bắp này yếu. Nhưng hàng ngày trò chuyện với nông dân, nghe họ nói, hiểu họ nghĩ và muốn gì, anh quyết tâm làm.

Tách dòng đến vụ thứ 3 nhưng những cây cá thể đưa ra vẫn ốm yếu, ai cũng nản lòng vì mỗi lần như vậy mất ít nhất 3 tháng. Có hôm anh và đồng nghiệp bụng đói meo nhưng cứ cãi nhau suốt vì không biết nên để hay hủy cây giống. Cũng có hôm cả một ruộng bắp gần ngàn mét vuông chẳng chọn được dòng nào đạt yêu cầu. Có khi gieo xong thì mưa như trút nước, những lúc ấy anh và cộng sự phải lăn xả trong mưa, dùng tay bới tìm từng hạt giống để đưa lên làm lại. Rồi có lúc những người dân tự ý làm theo kinh nghiệm của mình khiến cả nhóm loay hoay làm lại quy trình từ đầu. Xong, lại đến sâu bệnh tấn công cây giống hoặc trâu bò phá ruộng…

Cuối cùng, trời cũng không phụ lòng người, sau hơn 2 năm rưỡi quần quật với nông dân, vụ đông xuân 2002-2003, tổ hợp lai MX10 đã cứng cáp, nên công ty lập tức đăng ký bảo hộ bản quyền giống bắp lai này. Lợi thế của giống bắp lai MX10 là độ đồng đều cao nên các trái có độ dài như nhau, hạt bắp rất dẻo, thân cây khỏe và tốt, có thể dùng tiếp làm thức ăn cho gia súc, giá thành lại rẻ hơn (chưa đầy 100.000 đồng/kg hạt giống). Bắp lai MX10 cho số lượng trái loại 1 cao (khoảng 57.000 cây/ha, chỉ mất khoảng 5.000 trái/ha đất gieo trồng thay vì các loại giống khác, có số lượng thất thoát nhiều hơn). Đến nay công ty đã xuất hơn 60 tấn giống bắp lai MX10 cho nông dân cả nước.

Luôn đồng hành cùng nông dân

Trong một lần đi đồng về, ngang qua một cánh ruộng bên đường, anh và cộng sự bị thu hút ngay bởi những hàng bắp thẳng tắp, xanh mơn mởn và đầy sức sống đó. Lân la tìm hiểu rồi bỏ tiền túi mua vài chục cây đem về trồng thử. Hầu hết cây giống chết ngay sau vài ngày vì đã bị nhổ lên khỏi đất, chỉ còn lại vài cây, nhưng từ những cây còn sống đã cho ra một dòng bắp ngọt mang lại lợi ích cho công ty rất nhiều về sau này. Lần khác, vì tò mò, anh lại phát hiện được cách lai tạo giống bắp râu và cũng thử về lai tạo giống. Thành công, anh và đồng sự đã tạo ra gần 100 dòng bắp râu bất dục đực mang lại lợi ích kinh tế cao vì đây chính là dòng bắp các nhà hàng, quán ăn vẫn sử dụng như một loại đặc sản. Sau thành công của MX10, anh và các đồng sự lại tiếp tục cho ra dòng bắp lai MX2, MX4… Riêng giống MX6 hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Đi gần khắp đất nước, suốt ngày rong ruổi với những cánh đồng, ăn ngủ cùng nông dân, anh tâm sự: “Nông dân của mình còn nghèo và khổ lắm. Làm sao để họ khai thác hết những cái họ có, mỗi vùng có đặc thù riêng. Cho nông dân vay vốn là điều kiện cần nhưng quan trọng là hướng dẫn, chỉ họ những cách làm hiệu quả nhất. Nông dân cứ loay hoay thử làm hết sản phẩm này đến sản phẩm khác vì họ không được sự hướng dẫn cần thiết…”. Đúng là chia sẻ với khó khăn của nông dân và cùng họ tìm ra giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản luôn là điều mà Nguyễn Hữu Hòa thực hiện trong 20 năm qua. Hành trình này sẽ còn tiếp diễn.

Linh Đan

Tin cùng chuyên mục