Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn: Nơi bình yên cuối đời

Tọa lạc trên diện tích 1.200m² sát bờ sông Sài Gòn, được bao bọc bởi nhiều loại cây xanh và hoa, Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn, phường 13, quận Bình Thạnh (TPHCM) thoáng mát, yên tĩnh với không khí trong lành.
Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn: Nơi bình yên cuối đời

Tọa lạc trên diện tích 1.200m² sát bờ sông Sài Gòn, được bao bọc bởi nhiều loại cây xanh và hoa, Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn, phường 13, quận Bình Thạnh (TPHCM) thoáng mát, yên tĩnh với không khí trong lành.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào bên trong khu vực nghỉ dưỡng dành cho các cụ là một tấm bảng lớn treo trên vách tường, ngay lối đi, với dòng chữ “Hội ngộ trong tình thương yêu”. Giữa tấm bảng là một trái tim màu đỏ thiết kế đẹp và hài hòa, bên trong dán ảnh chân dung của hơn 70 cụ bà đang được nuôi dưỡng tại nhà tình thương này.

Các chị “vú nuôi” ở Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn đang chuẩn bị cơm chiều cho các cụ bà. Ảnh: Hiền Điệt

Các chị “vú nuôi” ở Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn đang chuẩn bị cơm chiều cho các cụ bà. Ảnh: Hiền Điệt

Lúc chúng tôi đến thì cụ bà Đỗ Thị Xuân (75 tuổi) quê ở Thanh Hóa, đang ngồi quấn từng tấm gạc y tế, cụ vui vẻ cho biết: “Sống ở đây tôi thấy lòng thanh thản, ban quản lý và anh chị em nhân viên đều rất tận tâm, xem chúng tôi như ruột thịt. Tôi quấn mấy miếng gạc này để nhân viên y tế và các cô giúp việc băng bó cho các cụ bị liệt và các cụ chẳng may té ngã, bị thương. Còn làm được gì có ích thì làm, ngồi không chịu không được”. Cùng tâm trạng như cụ Xuân, cụ bà Trần Thị Nhỡ (73 tuổi), quê ở Hưng Yên, móm mém cười nói: “Nhà tình thương này là ngôi nhà thứ 2 của tôi. Ở đây các dì, các cháu nhân viên thương yêu và đối xử ân cần với những người cao tuổi như chúng tôi, ruột thịt cũng chưa chắc dành tình thương cho mình nhiều như vậy”.

Nói về công việc chăm sóc các cụ già, xơ G.L, Trưởng ban Quản lý nhà tình thương Vinh Sơn bày tỏ: “So với công việc chăm sóc các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, có hoàn cảnh bất hạnh thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già từ lúc còn sống cho đến lúc mất không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi người làm công việc này phải chịu khó, kiên nhẫn, hiểu tâm lý người già và nhất là phải có lòng thương người thì mới làm được”. Theo lời xơ G.L và các dì khác ở đây, các cô nhân viên làm “bảo mẫu” cho các cụ phải dậy từ 4 giờ sáng, vệ sinh cá nhân và ăn sáng qua loa là lập tức bắt tay vào công việc. Đầu tiên là gọt rửa rau củ, làm cá thịt, vo gạo, nấu cơm, chế biến thức ăn theo đúng khẩu phần và quy định dành cho các cụ già, nhất là các cụ bị ốm, bị liệt, hoặc ăn uống kém. Nấu nướng xong xuôi, các chị lại đi đến từng giường đỡ các cụ dậy, gấp chăn màn, dọn dẹp phòng, giúp các cụ làm vệ sinh. Riêng đối với các cụ bị ốm, lẫn, nằm liệt một chỗ, thì các chị lại phải tự tay chăm sóc tất cả mọi sinh hoạt cá nhân, kể cả việc đút cơm hàng giờ đồng hồ. Sau bữa cơm chiều, tối đến các chị lại hối hả chuẩn bị giường chiếu, chăn màn, dụng cụ vệ sinh và đỡ các cụ lên giường. Khi các cụ đã yên giấc, các chị lại đi một vòng xem xét tình hình, hơn 10 giờ đêm mới về chỗ nghỉ.

Chị Vũ Thị Nết (44 tuổi) quê ở Hà Tây, một “bảo mẫu” có tiếng là chịu khó nhất ở nhà tình thương Vinh Sơn, tâm sự: “Lúc mới vào tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng vượt qua rất nhanh, vì bản thân mình đã từng chăm sóc mẹ và cha già bị bệnh nằm liệt nên tôi rất hiểu và thương các cụ già neo đơn đến ở đây...”. Các chị kể, nhiều lần bị các cụ nổi đóa cho “ăn” gậy, ném đồ đạc, thậm chí nhổ cả miếng cơm vào mặt khi các chị đút không vừa ý hay vô tình có hành động bị cho là “vô phép”. “Không thể trách móc hay nổi nóng với các cụ được vì chúng tôi hiểu người già tính nết không khác gì trẻ thơ. Mỗi khi các cụ hờn dỗi, nóng nảy chúng tôi luôn cố gắng chịu đựng và tìm cách an ủi, xoa dịu, chịu khó “nịnh” các cụ một chút là xong ngay”, một chị nói.

Nếu có dịp đến thăm, được tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc người lớn tuổi của các chị, các dì tại Nhà dưỡng lão Vinh Sơn, cũng như các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn khác, hẳn nhiều người sẽ càng thêm hiểu ý nghĩa của câu nói “sống trên đời cần có một tấm lòng”.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục