Nhà ở giá rẻ: Bao giờ cầu gặp cung?

Nguồn cung nhà ở giá rẻ nói chung và nhà ở xã hội (NƠXH) nói riêng tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM những năm qua luôn không đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt tại TPHCM, mặc dù chính quyền TP có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển NƠXH nhưng các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng rất hạn chế. 
Dự án HQC Plaza (huyện Bình Chánh) được xem là dự án nhà ở xã hội lớn nhất TPHCM được đưa vào sử dụng đến nay
Dự án HQC Plaza (huyện Bình Chánh) được xem là dự án nhà ở xã hội lớn nhất TPHCM được đưa vào sử dụng đến nay

Thiếu hụt nguồn cung

Một số dự án NƠXH có quy mô tương đối lớn được đưa vào sử dụng những năm gần đây có thể kể đến như: dự án HQC Plaza (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh) do Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư, có quy mô 1.750 căn, khánh thành cuối năm 2019; dự án HOF-HQC Hồ Học Lãm do Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM (HOF) làm chủ đầu tư, đơn vị hợp tác phát triển là Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 608 tỷ đồng, quy mô 718 căn hộ - là dự án đầu tiên được thực hiện với hình thức hợp tác công tư nhằm giải quyết nhu cầu NƠXH tại TPHCM.

Trước đó, dự án chung cư Bộ Công an tại đường số 3, phường Bình An (TP Thủ Đức), do Công ty CP Đầu tư Phú Cường làm chủ đầu tư cũng đưa vào sử dụng năm 2016. Chung cư có 20 tầng, gồm các khu chức năng: căn hộ ở, công cộng - dịch vụ, khu vực để xe, nhà trẻ và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, quy mô diện tích sử dụng đất 20.020,5m², 956 căn hộ, diện tích sàn xây dựng 128.425,51m²… Thế nhưng, theo đánh giá của ngành chức năng, số lượng những dự án NƠXH rất ít so với nhu cầu của người dân. 

Theo các chuyên gia bất động sản, dù chiếm 70%-80% nhu cầu về nhà ở tại đô thị lớn như TPHCM, nhưng nguồn cung nhà ở giá rẻ lại rất khan hiếm, thậm chí vắng bóng trên thị trường. Từ năm 2019, cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do thị trường hầu như không còn xuất hiện loại căn hộ giá 1,1-1,5 tỷ đồng/căn. Cụ thể, từ 3-5 năm trở lại đây, giá căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16-21 triệu đồng/m² nay đã chạm ngưỡng 25-36 triệu đồng/m². Như vậy người dân có nhu cầu “nhà giá rẻ” chỉ còn trông chờ vào các dự án NƠXH.

“Vợ chồng tôi rất cần một căn hộ để an cư, nhưng tài chính có hạn nên chỉ trông chờ vào các dự án NƠXH để hưởng chính sách của chương trình này. Nhưng từ nhiều năm nay giấc mơ vẫn chưa thành do dự án quá ít, tôi tìm mua không có”- anh Bình, một người đang tìm mua NƠXH chia sẻ. 

Theo Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2025 đã được UBND TPHCM phê duyệt tại quyết định số 5086/QĐ-UBND ngày 14-11-2018, giai đoạn 2016-2020 phấn đấu hoàn thành khoảng 1,78 triệu m2 sàn NƠXH. Thực tế chỉ đạt 1,28 triệu m2 sàn NƠXH (tương đương 15.177 căn hộ).

 Chấm dứt tình trạng “xin-cho” 

Giai đoạn 2021-2025, TPHCM dự kiến phát triển khoảng 2,27 triệu m2 sàn NƠXH, tương ứng khoảng 25.000 căn hộ để đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, để đáp ứng mục tiêu đề ra, Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi đôn đốc thực hiện 19 dự án NƠXH với quy mô 26.983 căn hộ. Cập nhật, rà soát các dự án nhà ở thương mại có quy mô 10ha, đã xác định quỹ đất 20% để thực hiện NƠXH, đôn đốc thực hiện để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xây NƠXH trong các dự án này.

Trên thực tế, Sở Xây dựng đã cập nhật được 65 dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên, phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng NƠXH, tổng diện tích đất khoảng 197,3ha, quy mô khoảng 146.550 căn hộ. Theo ông Khiết, Sở Xây dựng đang lập kế hoạch phát triển và quản lý NƠXH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 trình UBND TPHCM ban hành.

Kế hoạch, nỗ lực là vậy nhưng làm thế nào để huy động nguồn lực xã hội, nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào phân khúc nhà ở này là bài toán không dễ. Thực tế, dù có nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ, NƠXH, thế nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành - một trong những doanh nghiệp tiên phong xây nhà giá rẻ tại TPHCM - phân tích, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà với nhà giá thấp vì lãi rất thấp, chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/m2. Nếu gặp biến cố về tài chính ngân hàng, vật giá... thì phá sản, thua lỗ. Về mặt thủ tục pháp lý cho nhà thu nhập thấp hay dự án căn hộ cao cấp, đều nhiêu khê như nhau.  

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho rằng giải pháp cốt lõi để tăng nguồn cung cho nhà giá rẻ là phải tạo được sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Minh bạch trong thủ tục đầu tư nhà giá rẻ, đặc biệt phải chấm dứt tình trạng “xin - cho” để có thể thu hút được doanh nghiệp lớn có tiềm lực. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở giá rẻ khan hiếm trên thị trường là do thủ tục phê duyệt xây dựng dự án thường kéo dài.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước hiện đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn khác thay thế. “Để tăng nguồn nhà ở, Nhà nước cần tiếp tục có các gói hỗ trợ về tài chính để phát triển NƠXH, nhà giá rẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như người mua. Đồng thời, các địa phương, trong đó có TPHCM nên đưa ra các giải pháp củng cố, đẩy nhanh tốc độ phê duyệt dự án nhằm ổn định lại thị trường bất động sản, không để các dự án bị hoãn, ảnh hưởng đến việc phê duyệt dự án mới”, ông Châu đề xuất.

Tin cùng chuyên mục