Đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TPHCM) được đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng các nhà thầu thi công cẩu thả, kéo dài, khiến cư dân hai bên đường và người lưu thông trên đường rất khốn khổ suốt mấy tháng nay.
Việc thi công bừa bộn gây ùn tắc giao thông trên đường. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Thi công rề rà
Công trình nâng cấp hạ tầng kỹ thuật (điện, viễn thông, cấp nước, thoát nước sinh hoạt) đường Lũy Bán Bích được khởi công từ ngày 30-6-2014. Suốt 4 tháng qua, toàn tuyến đường Lũy Bán Bích như một đại công trường với hàng loạt đơn vị đồng loạt thi công ngày đêm. Ngày 4-7-2014, ngành điện lực thi công lắp đặt mương cáp ngầm từ đường Âu Cơ đến cầu Tân Hóa, sau đó hạ ngầm phần điện đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Thoại Ngọc Hầu. Theo kế hoạch, đoạn từ đường Thoại Ngọc Hầu đến cầu Tân Hóa sẽ hoàn tất hạ ngầm phần điện vào giữa tháng 11. Tuy nhiên, khi hệ thống mương cáp ngầm điện - viễn thông đã hoàn tất hơn 50% thì các nhà thầu thi công hệ thống thoát nước mới bắt đầu khởi động. Việc thi công đào đặt cống thoát nước với chiều rộng của mương đào gần 3m, chạy suốt tuyến khiến nhiều hộ kinh doanh ở mặt tiền kêu trời vì không thể nào buôn bán hay ra vào nhà. Anh Cường (chủ hộ kinh doanh xe máy ở số 556 đường Lũy Bán Bích) than: “Đào hơn nửa tháng nay rồi, khỏi buôn bán luôn”. Ông Tư Đức (nhà ở đường này đoạn qua phường Tân Thới Hòa) kể: “Lúc đơn vị thi công lắp đặt hệ thống điện ngầm, cáp ngầm, lề đường trước cửa nhà tôi bị đào xới nát hết. Tôi phải mua cả chục bao cát về tấn trước cửa nhà mình để nước không tràn vào. Vậy mà mưa vẫn ngập vì nước đâu có chỗ thoát trong thời gian đang thi công”.
Đến sáng 29-10, đường Lũy Bán Bích vẫn còn bừa bộn gạch đá, xà bần trên lề đường, trước cửa nhà người dân. Đoạn đi qua phường Hòa Thạnh, Hiệp Tân vẫn còn bị rào chắn nửa đường. Phía bên trong rào chắn, các đơn vị thi công đang gấp rút rải nhựa, lu đường. Bà Huỳnh Thu Hà (nhà ở số 11 đường Lũy Bán Bích) cho biết: “Mấy tháng nay, các bà con ở đây phải sống rất khổ cực. Trời nắng nóng thì bụi mù trời, trời mưa thì nước tràn vào nhà ngập lênh láng. Ai nấy phải thức cả đêm để tát nước. Đêm qua, đơn vị thi công đã dỡ rào chắn và tráng nhựa đoạn đường trước cửa nhà tôi. Mong việc thi công công trình hết trì trệ”.
Thời gian qua, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được các cuộc gọi của bạn đọc cư ngụ hai bên đường Lũy Bán Bích than phiền việc họ liên tục bị mất tín hiệu truyền hình, internet, điện thoại. Chị Hồng Hạnh (nhà ở đường này đoạn qua phường Tân Hòa Đông) bức xúc: “Từ khi thi công mở rộng đường Lũy Bán Bích thì đường truyền internet và cáp truyền hình liên tục bị mất tín hiệu”. Ông Nguyễn Quốc Việt (nhà ở đường này đoạn qua phường Hiệp Tân) nói: “Đành rằng khi hạ ngầm thì tín hiệu cáp quang, cáp điện thoại sẽ phải gián đoạn một thời gian để đơn vị thi công thực hiện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, xảy ra tình trạng cắt, cúp tín hiệu tùy tiện. Chúng tôi điện thoại cho công ty dịch vụ thì họ bảo là đang thi công công trình, mà không một lời xin lỗi vì sự cố xảy ra”.
Không chỉ cư dân bị ảnh hưởng, Tổng Công ty Điện lực TPHCM cũng đã có văn bản báo cáo lãnh đạo TP “kêu cứu” vì các đơn vị thi công thoát nước thi công trễ nải, khi đào mương đặt cống đã làm sạt lở, hư hỏng nhiều đoạn cáp ngầm điện lực - viễn thông, khiến ngành điện phải nhiều lần đào lên, sửa lại. Được biết, trước đó Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang đã triệu tập cuộc họp chỉ đạo phải thi công công trình này đúng theo trình tự, không làm sạt lở các phui đào trước đó.
Nhà thầu nói gì?
Ông Trần Văn Toàn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, phân trần: “Chúng tôi kiểm tra, phạt vạ dữ lắm, thậm chí ngưng thi công 1 tuần nhưng nhiều nhà thầu vẫn vi phạm như tái lập mặt đường không đúng thời gian quy định, không thu dọn vệ sinh, làm cát đá vương vãi… khiến người dân than phiền.
Nói về sự cố mổ trúng cáp ngầm điện lực, gây mất điện, ông Phạm Ngọc Thành, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà, thừa nhận: “Khi nhận bàn giao tuyến để thi công, anh em đã được báo bên dưới có 2 cọng cáp ngầm và đã đánh dấu vị trí, nhưng chỉ xê xích một chút thôi lại đụng 2 cọng khác. Tôi xin nhận là nhà thầu có lỗi vì anh em chủ quan. Không phải phân bua, nhưng áp lực với nhà thầu là lớn lắm. 22 giờ đêm dọn ra thì 23 giờ mới có thể bắt đầu thi công và phải trả lại mặt bằng vào lúc 5 giờ sáng hôm sau. Giấy phép chỉ có 21 ngày, đào mà gặp sự cố thì phải xử lý liền, lấp lại ngay”.
Áp lực là có và sự cố là điều không mong muốn, song thi công cẩu thả là điều không thể chấp nhận. Rất cần có sự hỗ trợ chặt chẽ giữa các nhà thầu, chủ đầu tư và các ngành liên quan như điện lực, cấp nước, viễn thông… để khi sự cố xảy ra thì kịp thời khắc phục, rút ngắn thời gian thi công và giao trả mặt bằng đúng thời hạn quy định, không ảnh hưởng kéo dài đến người dân. Chủ đầu tư nên kiểm tra thường xuyên công trình và không nhân nhượng với kiểu thi công cẩu thả.
THƯ LÊ - ĐOÀN HIỆP