

Henrik Ibsen (1828-1906) là nhà soạn kịch thiên tài người Na Uy. Kỷ niệm 100 năm ngày mất của H. Ibsen (1906-2006), tại Việt Nam, lần đầu tiên, Nhà hát kịch Tuổi Trẻ đã dàn dựng vở “Nhà búp bê” của ông.
Trước đó, H.Ibsen được công chúng Việt Nam biết qua những bản dịch của nhà văn Đoàn Phú Tứ (ảnh).
Trong hồi ký của mình viết về người bạn thân thiết từ thuở học trò Đoàn Phú Tứ, nhà giáo dục, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Nguyễn Lương Ngọc (1910 - 1994) “phong” cho Đoàn Phú Tứ danh hiệu “người đã dịch hầu như toàn bộ kịch của Ibsen”.
Chi li ra thì không hẳn như thế, bởi số lượng các vở kịch mà nhà soạn kịch Na Uy đã sáng tác, kể từ những vở kịch trữ tình đầu tiên Gò mộ tráng sĩ (1850) hay vở kịch lịch sử Katilina (1850) đến vở Chúng ta, những người chết, bừng tỉnh dậy (1899) chí ít cũng phải trên dưới hai chục vở.
Trong khi đó Đoàn Phú Tứ của chúng ta mới dịch và đưa xuất bản được có 5 vở. Tuy nhiên, ở đây cũng không phải có gì quá đáng: bởi Đoàn Phú Tứ chính là người đầu tiên dịch tác phẩm của Henrik Ibsen ở Việt Nam và trong vòng chưa đầy 10 năm đã cho bạn đọc Việt Nam thưởng thức liền 5 tác phẩm trong số những tác phẩm ưu tú nhất, nổi tiếng nhất của nhà soạn kịch vĩ đại Na Uy Henrik Ibsen (1828 - 1906).

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh trong vai Nona, vở “Nhà Búp bê” của H.Ipsen.
Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ đã dịch kịch H.Ibsen trong hoàn cảnh nào? Đúng vào giai đoạn chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang ác liệt.
Khắp nơi bom đạn. Sơ tán liên miên. Đời sống vật chất thiếu thốn. Hoàn cảnh gia đình nhà văn nằm trong tình cảnh chung, mà có phần còn khó khăn hơn.
Gia đình đông miệng ăn, trông vào đồng lương một người đi làm trong biên chế là phu nhân của ông. Nhà xuất bản Văn học tạo điều kiện cho nhà văn với cương vị công tác biên dịch sách, hỗ trợ biên tập sách có thu nhập thường xuyên cộng với nhuận bút ít ỏi.
Sau này có một bạn đọc từng gặp nhà văn trong những ngày ấy nhớ lại cảnh sinh hoạt hàng ngày của ông: “Đó là một ông già quắc thước, có bộ râu rất đẹp, tác giả của bài Màu thời gian mà tôi hằng ưa thích. Vẫn cái dáng vẻ của lớp người 1930 - 1945, ông Đoàn Phú Tứ làm cho người ta dễ nhớ, dễ mến. Ông ở gần Nhà máy điện Yên Phụ. Hàng ngày, tôi thấy ông mặc cái vỏ áo bông đã rách nhiều chỗ, ngồi trên một cái xe đạp cà tàng thồ hai thùng nước gạo”.
Nhà văn phải giúp vợ đi xin nước vo gạo các nhà về nuôi lợn kiếm thêm thu nhập. Tiền nhuận bút ở nhà xuất bản bao giờ dịch giả cũng phải xin ứng trước và khi sách ra thanh toán nhiều khi ông vẫn nợ nhà xuất bản. Tuy vậy Đoàn Phú Tứ lúc nào cũng vẫn giữ thái độ lạc quan vốn có, không bao giờ mất đi cái nét hóm hỉnh, vui tươi, có phần đùa nghịch trẻ trung.
THU - HOÀN