Nhà văn hóa tự biến mất!

Nơi tổ chức tiệc cưới
Nhà văn hóa tự biến mất!

Tại TPHCM đang có tình trạng ngày hè ba mẹ đi làm phải dẫn con theo, vì không có chỗ cho trẻ chơi. Trong khi quận nào cũng có trung tâm văn hóa - nhà văn hóa (TTVH-NVH), thậm chí nhiều phường cũng có NVH. Khi chúng tôi khảo sát một số NVH quận và phường, mới giật mình khi thấy nhiều nơi đã bị trưng dụng để cho thuê. Nơi còn hoạt động cũng bị thương mại hóa, thanh thiếu niên muốn tham gia các loại hình sinh hoạt đều phải trả tiền.

Mặt tiền Nhà văn hóa phường 1 quận 10 đóng cửa im ỉm, được cho thuê làm cửa hàng bán hoa. Ảnh: HÀN NI

Mặt tiền Nhà văn hóa phường 1 quận 10 đóng cửa im ỉm, được cho thuê làm cửa hàng bán hoa. Ảnh: HÀN NI

Nơi tổ chức tiệc cưới

Hè này, nhiều thiếu nhi phải sinh hoạt hè ngay dưới lòng đường, vì các NVH địa phương đã bị cho thuê. Tại TTVH quận 4, mỗi tối luôn ồn ào, náo nhiệt, do sảnh đã bị trưng dụng cho nhà hàng tiệc cưới Hải Hóa thuê từ nhiều năm nay. Tương tự, tại TTVH quận 10, vào ban đêm, khắp các hội trường, từ trên lầu xuống dưới sân đều biến thành nơi tổ chức tiệc cưới. Bên ngoài là một bãi gửi xe lớn, chẳng còn chỗ nào cho thanh thiếu niên ngồi nghỉ chân, huống chi là đến để sinh hoạt

Trên địa bàn phường 13 quận Tân Bình, trong khi có TTVH và Thư viện quận nằm sát cạnh nhau, nhộn nhịp người ra vào, nhưng trẻ em nơi đây lại không có sân chơi trong kỳ nghỉ hè. Hỏi ra mới hay mọi ngóc ngách của TTVH quận Tân Bình đều đã bị thương mại hóa. Khuôn viên của TTVH đã bị cho thuê làm 2 sân bóng đá mini, phía mặt tiền đường bị chẻ nhỏ ra cho thuê làm nhà thuốc tây, quán nước. Sảnh dưới trung tâm cũng đã cho thuê. Anh Trần Mạnh Tiến, Bí thư Đoàn phường 13 quận Tân Bình cho biết: “Lúc đầu, UBND phường đã liên lạc với TTVH quận mượn sân chơi cho các em sinh hoạt hè. Nhưng vừa mới ngày đầu, một số em đã bẻ cây, vẽ bậy lên tường, nên các chú bảo vệ không cho vào nữa. Hơn nữa, những địa điểm sinh hoạt đều được TTVH cho thuê, nên không có không gian hoạt động”. Nguyên nhân khiến các TTVH lẽ ra là công trình phúc lợi xã hội nhưng phải cho thuê kiếm tiền là vì phải tự hạch toán thu chi!

Muốn vào sinh hoạt phải trả tiền

Quận 10 là đơn vị thí điểm của TPHCM về tổ chức mô hình NVH phường, mỗi phường được đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng một NVH. Thế nhưng, nhiều năm qua, các NVH này rất thưa thớt người, loại hình giải trí hầu như không có gì, mà chủ yếu là cho tư nhân thuê mặt bằng kinh doanh các dịch vụ văn hóa, nên chẳng có gì phục vụ phúc lợi cho người dân địa phương. NVH phường 3 quận 10 nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Duy Dương, có bề ngang hơn chục mét, nhưng cửa đóng im ỉm, chỉ chừa một lối đi nhỏ lên lầu như đường địa đạo. Trọn mặt bằng bên dưới dùng làm phòng họp, khi không có họp thì… buông rèm đóng cửa. Phóng viên hỏi có lớp hè nào cho thiếu nhi, thì được trả lời: “Chưa triển khai sinh hoạt hè!”. NVH phường 1 quận 10 nằm ở vị trí đắc địa, ngay góc đường Lý Thái Tổ - Hồ Thị Kỷ, có diện tích khá rộng, thế nhưng, 2 mặt tiền đã biến thành 2 cửa hàng bán hoa. Phòng bảo vệ cũng thông ra với cửa hàng bán hoa. Vào bên trong thì vị trí đẹp nhất được cho thuê làm điểm tập thể hình nam. Hai dãy lầu bên trên im ỉm đóng cửa. Khi hỏi mô hình sinh hoạt vui chơi, các phong trào Đoàn, Hội, thì phóng viên được hướng dẫn đăng ký các lớp: cử tạ, khiêu vũ, thể dục thẩm mỹ… Đương nhiên, những lớp học này của tư nhân và phải nộp tiền.

Các đơn vị văn hóa ở quận 10 nằm san sát nhau: từ NVH phường 1 đi vài trăm mét là gặp NVH phường 10, thêm vài trăm mét là có TTVH quận. Trong khi đó, hoạt động của các NVH na ná nhau, cũng các lớp khiêu vũ, đàn, võ, thể dục thẩm mỹ… Chỉ những NVH nằm bên trong hẻm thì có khá hơn vì không cho thuê mặt bằng mà tập trung vào các lớp học. Trong bối cảnh các TTVH lớn và nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tổ chức rất tốt, rất chuyên nghiệp các dịch vụ này, nên các lớp của tư nhân mở tại các NVH phường không thể cạnh tranh nổi nên hoạt động èo uột, ngày càng vắng khách.

Rõ ràng, điều người dân mong đợi ở một cơ sở văn hóa là sân chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng, nhưng nhiều NVH chưa làm được do thiếu kinh phí, thiếu nhân sự, thiếu kỹ năng tập hợp vui chơi cho thanh thiếu niên, rồi tự biến mất hoặc tồn tại bằng cách chạy theo lợi nhuận và lợi ích cục bộ.

HÀN NI - THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục