Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và di sản về tình yêu văn hóa

Cách đây 4 tháng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933) qua đời do tuổi cao sức yếu. NXB Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến Tiếng người trong văn, như một sự tưởng nhớ đến nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhân dịp ra mắt hai tập sách Tiếng người trong văn và Nguyễn Xuân Khánh - Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi.
Bộ ba tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa
Bộ ba tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa

Một nhà văn đa tài

Tiếng người trong văn được xem là di cảo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, mang đến không chỉ những câu chuyện về người thân, bạn văn mà còn là câu chuyện cuộc đời của chính tác giả. Trong khi đó, Nguyễn Xuân Khánh - Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi là một tuyển chọn dày dặn các bài viết hay về đời văn Nguyễn Xuân Khánh. Đọc cuốn sách này, bạn đọc có thể tìm thấy toàn bộ thông tin về ông, một cuộc đời đầy những thăng trầm và một sự nghiệp đồ sộ.

Là tác giả của nhiều tác phẩm được yêu thích như Chuyện ngõ nghèo, Miền hoang tưởng, Rừng sâu…, tuy nhiên, nhắc đến tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh, không thể không nhắc đến các bộ tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly (2000), Mẫu thượng ngàn (2006) và Đội gạo lên chùa (2011). Ba tác phẩm này được ông chủ ý viết theo mạch tìm lại cội nguồn văn hóa và căn cốt người Việt. Chính bộ ba tác phẩm này đã giúp ông được vinh danh tại các giải thưởng danh giá như Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2017; Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội 2018; Giải thưởng Cuộc thi của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001… Mới đây, bộ ba tác phẩm này được NXB Phụ nữ Việt Nam tái bản, đánh dấu lần in thứ 13 của Hồ Quý Ly, lần thứ 8 của Đội gạo lên chùa và là lần in thứ 9 của Mẫu Thượng ngàn.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn là một dịch giả, với nhiều dịch phẩm như: tập chân dung văn học George Sand - nhà văn của tình yêu, Tâm lý học đám đông (Gustave Le Bon); các tiểu thuyết Những quả vàng (Nathalie Sarraute), Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất (Taha Ben Jelloun); sách tâm lý… Bên cạnh tác phẩm dành cho người lớn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng có những đóng góp trong lĩnh vực văn học thiếu nhi như: Hai đứa trẻ và con chó mèo xóm núi (NXB Kim Đồng, 2002), Mưa quê (NXB Kim Đồng, 2003); cùng với đó là các dịch phẩm Năm tuần trên khinh khí cầu (Jules Verne), Hoàng hậu Sicile (Pamela Schoenewaldt).

Những cung bậc tình cảm

Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, khi đọc những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, bạn đọc sẽ học được rất nhiều bài học quý: sự trăn trở của người trí thức trước thời cuộc; tình cảm thiết tha, yêu mến của nhà văn đối với văn hóa và lịch sử của đất nước cũng như tình cảm sâu nặng của ông với những người bà, người mẹ, người chị.

“Ngoài những tác phẩm được Nhà nước ghi nhận qua Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017, nhà văn cũng để lại một di sản rất lớn trong lòng bạn đọc, đó là tình yêu văn hóa, tình yêu văn chương khi đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh”, bà Hoa Phượng bày tỏ.

Nguyễn Xuân Khánh có một cuộc đời đầy thăng trầm, nhưng chính những khó khăn ấy là trải nghiệm cho đời văn, tạo nên những cung bậc tình cảm khác nhau ở văn chương của ông. “Nhưng cung bậc quan trọng nhất là lòng nhân ái, sự cao thượng dành lại trong mỗi con người”, nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ.

Theo TS Đoàn Ánh Dương, Viện Văn học Việt Nam (người biên soạn, tổ chức bài vở cho cuốn sách Nguyễn Xuân Khánh - Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi), trong tương lai, sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh sẽ được đọc và được đọc lại rất nhiều, khám phá rất nhiều, nhất là trong bộ tiểu thuyết lịch sử của ông.

Tin cùng chuyên mục