
Không sân khấu, không mic, không nhạc đệm, tất cả chỉ có một cây guitar cũ mèm với thùng gỗ xước xát vì va đập. Bộ dây thép xỉn màu đã chùng tới mức mà người chơi phải loay hoay cả 15 phút mới có thể lấy lại đúng nốt… nhưng chẳng hề gì bởi ở đây có cả một dàn nhạc lớn là biển cả, có một đội ngũ người hâm mộ trung thành và nhiệt tình là đồng đội. Những bài hát từ con tim đã ngân lên.

1. Gặp gỡ hết sức tình cờ trên chuyến hải trình đưa mùa xuân đến với Trường Sa, chàng thiếu úy trẻ Đoàn Ngọc Thanh Nghị sinh năm 1990 đã khiến cánh nhà báo chúng tôi hết sức bất ngờ bởi giọng hát ngọt ngào chất chứa bao tình cảm. Không hề có dáng dấp nghệ sĩ, cũng không sở hữu những nét mặn mòi, cứng cỏi vốn có của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió nhưng khi cất tiếng hát, cả không gian quanh cậu ngập tràn âm sắc của biển cả.
Sinh ra và lớn lên giữa phố thị nhưng tình yêu dành cho biển không biết tự khi nào đã in sâu trong tâm thức của chàng trai trẻ Thanh Nghị. Vì thế, ngay khi rời ghế nhà trường, Nghị đã đến với Trường Sa. Cũng chính những năm tháng đầu tiên của cuộc đời quân ngũ tại nơi đầu sóng ngọn gió này đã đưa Nghị đến với âm nhạc. Nghị chia sẻ, đam mê ca hát từ nhỏ nhưng khi công tác tại đảo Trường Sa anh mới bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tiên. Bản nhạc ấy được lấy cảm hứng từ chính tình cảm của cậu dành cho người bạn gái mới quen trong chuyến hành trình trở thành lính đảo. Nhiều ca khúc về tình bạn, tình yêu, về đồng đội - những người lính đảo đã lần lượt ra đời sau đó và được bạn bè cậu đón nhận rất hào hứng.
Kết thúc giai đoạn lính nghĩa vụ, Nghị theo học Học viện Hải quân và tiếp tục gắn bó với cuộc đời quân ngũ. Trong thời gian học ở Nha Trang, Nghị cùng các bạn, nhóm nhạc Feeling band, đã khiến bao con tim phải “chao đảo” bởi những ca khúc đầy cảm xúc về lính biển.
Thanh Nghị biết những bài cậu sáng tác thanh điệu còn chưa chuẩn bởi cậu không biết ký âm, mọi ca khúc cậu đều lưu lại bằng cách giản dị nhất là hát rồi ghi âm bằng điện thoại. Bởi mỗi ca từ, mỗi giai điệu được viết từ những trải nghiệm nên khi cất lên thành lời, đều khiến người nghe như thấy chính mình trong đó. Mạnh mẽ, kiên cường và chan chứa yêu thương.
2. Anh Hoàng Phước Sơn, Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa vô cùng xúc động khi nghe những ca khúc về người lính của Nghị sáng tác: “Giai điệu giản dị, gần gũi nhưng mỗi ca từ được viết lên bằng chính cảm xúc của một người lính đảo, đã khắc họa được hình ảnh của người lính can trường nơi đầu sóng, khiến người nghe rung động”.
Tới thời điểm này, hành trang âm nhạc của thiếu úy Đoàn Ngọc Thanh Nghị đã lên tới hơn 30 ca khúc và được lan truyền theo thể thức truyền miệng. Nghị cười hiền tâm sự, do đặc thù của người lính hải quân là làm nhiệm vụ trên biển, cách xa đất liền vì thế kế hoạch theo học chuyên sâu về nhạc lý của cậu đã nhiều lần bị hoãn lại vô thời hạn. Song không vì thế mà tình yêu với âm nhạc, với biển đảo trong cậu vơi cạn. Là sĩ quan hàng hải trên tàu trực nhưng Thanh Nghị còn là thành viên chủ chốt của đội văn nghệ Hải đội 411 - Vùng 4 Hải quân.
Giữa những chông chênh bốn bề sóng, gió, sau những giờ huấn luyện, sau những ca trực căng thẳng, Nghị và đồng đội lại ngồi sát bên nhau bên cây đàn cũ và hát cho nhau nghe: Có những gian khó đang chờ/Nhưng không nao núng tinh thần/Vì anh người lính đảo/Vẫn giữ chắc tay súng ngày đêm để cho muôn dân yên lòng... (Vinh quang người lính đảo). Với Thanh Nghị cũng như đồng đội của anh, đó là những giây phút thiêng liêng mà ấm áp khi cả quê hương đang ở gần sát bên.
MAI AN