Nhạc sĩ Phú Quang: Đừng lướt qua Hà Nội như một du khách

Với kho tàng gần 400 ca khúc thì phần nhiều trong số đó Phú Quang (ảnh) dành viết về Hà Nội. Cái chất Hà Nội trong nhạc của ông thấm đẫm trong mỗi giai điệu, ca từ, nốt nhạc rồi sáng bừng với Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội... Có lẽ, chính vì tình yêu ngọt ngào ấy mà cứ mỗi độ thu về, Phú Quang lại bắt tay dàn dựng một chương trình âm nhạc của riêng mình tại Hà Nội.
Nhạc sĩ Phú Quang: Đừng lướt qua Hà Nội như một du khách

Với kho tàng gần 400 ca khúc thì phần nhiều trong số đó Phú Quang (ảnh) dành viết về Hà Nội. Cái chất Hà Nội trong nhạc của ông thấm đẫm trong mỗi giai điệu, ca từ, nốt nhạc rồi sáng bừng với Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội... Có lẽ, chính vì tình yêu ngọt ngào ấy mà cứ mỗi độ thu về, Phú Quang lại bắt tay dàn dựng một chương trình âm nhạc của riêng mình tại Hà Nội.

* Hà Nội trong anh và trong ca khúc của anh rất đẹp và thơ với hương hoa sữa nồng nàn trong căn nhà nhỏ, chiều sương giăng lối cũ... nhưng nhiều người khi bước chân đến thành phố này lại có những cảm giác hẫng hụt thậm chí thất vọng?

* Cũng không trách họ được. Bởi nếu họ chỉ lướt qua Hà Nội như một du khách thì cái họ thấy chỉ là những con đường nhỏ hẹp, bụi bặm và hàng quán lộn xộn. Muốn yêu được Hà Nội phải hiểu được con người, những tấm lòng Hà Nội, hiểu những giá trị ẩn chứa bên trong cuộc sống của mỗi con người nơi đây. Nếu so về độ hoành tráng thì Hà Nội không so được với TPHCM, song Hà Nội lại đáng yêu bởi những điều thẩm sâu, chất chứa bên ngoài vỏ bọc tưởng chừng rất bình dị ấy. Hà Nội mạnh về nội công chứ không phải là ngoại kích.

Tôi đã trót yêu và tự thấy mình gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Đây không phải nơi tôi sinh ra, nhưng tôi đã lớn lên và gắn bó nhiều kỷ niệm buồn vui với nó. Với tôi, không nhất thiết phải quê Hà Nội, sinh ra, lớn lên ở Hà Nội mới có tình yêu với Hà Nội mà bất cứ người nào hiểu, trân trọng và biết yêu Hà Nội thì đều có thể coi là người Hà Nội.

* Anh cũng đã có 25 năm sống ở TPHCM và đó cũng là khoảng thời gian anh rời xa Hà Nội. Song lần này, anh lại là một trong 10 người được đề cử vào danh sách “Công dân thủ đô tiêu biểu”. Điều đó hẳn đem lại cho anh nhiều cảm xúc đặc biệt?

* Trong cuộc đời âm nhạc tôi đã lao động miệt mài và có trong tay nhiều giải thưởng lớn, nhiều huy chương vàng, khán giả cũng nhớ và thương mến tôi. Nhưng cũng nhiều lần lâm vào cảnh bị chối bỏ, bị phủ nhận sức lao động của mình. Do đó, được đưa vào danh sách đề cử lần này tôi cảm thấy vô cùng trân trọng vì cuối cùng những nỗ lực của tôi cũng đã được ghi nhận. Tấm lòng nhân hậu ấy của Hà Nội khiến tôi có niềm tin vào cuộc đời, tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục lao động.

* Có người bảo rằng anh lúc nào cũng yêu Hà Nội, nhưng toàn “bán” Hà Nội với giá rất đắt. Các chương trình của Phú Quang ở Hà Nội đều có giá vé thuộc top dẫn đầu.

* Cũng có người bảo, “bán” Hà Nội không ai bán đắt như Phú Quang. Nhiều người thích mua thì tôi bán là đúng rồi. Bán mà không ai thèm mua mới xấu hổ chứ. Tôi không bức xúc đâu. Vì các cụ xưa vẫn bảo: “Cao chê ngỏng, thấp chê lùn, béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn nhô ra”.

Làm sao có thể bịp được khán giả suốt hơn 20 năm nếu tôi không hết lòng trân trọng khán giả? Tôi quan niệm trân trọng khán giả nghĩa là mình phải làm tử tế hết khả năng, từ âm nhạc của mình, những yếu tố sân khấu, cho đến tấm vé người ta cầm trên tay…

* Có phải vì quá kỹ tính mà anh thường tự đứng ra tổ chức các chương trình của mình?

* Kỹ tính là một phần nhưng phần khác là tôi muốn tự làm để có thể thể hiện ý tưởng, mong muốn của mình được chính xác nhất. Chỉ có tôi mới hiểu được chính mình. Âm nhạc của tôi không diễn nhiều mà phải thật. Nhiều người cố thử diễn nhưng đều thất bại. Vì thế tôi nghĩ rằng thôi thì mình cố gắng mà thật thà để khán giả đến với mình. Và chỉ có tôi mới đòi hỏi được các nghệ sĩ thật thà đến tận cùng.

* Có người tâm sự rằng họ không còn muốn làm những chương trình nhiều tỷ đồng rồi chỉ mang đi dự thi giành lấy huy chương. Quan điểm của anh về điều đó thế nào?

* Đúng vậy, một trong những tiêu chí được tôi đặt lên hàng đầu là làm chương trình làm sao phải đến được với nhân dân trong sự yêu mến của họ. Giờ đây, vẫn còn nhiều chương trình tốn kém, nhưng chất lượng thê thảm lắm. Hãy thử nhìn lại xem hết lễ hội này đến chương trình kia, tốn kém bao nhiêu tiền của nhưng dư âm của nó đọng lại được bao nhiêu? Những cái đó là chúng ta không phải với nhân dân. Có bao nhiêu điều để làm nhưng sao festival nào, lễ hội nào cũng phải có múa rồng, múa sạp? Chúng ta cần phải làm lễ hội cho nhân dân nhưng phải làm sao cho xứng với đồng tiền bát gạo bỏ ra.

* Theo anh là vẫn nên làm các chương trình nặng tính tuyên truyền?

* Cái đó cần thiết phải làm. Mỗi dịp lễ lớn, ngày kỷ niệm đặc biệt thì đầu tư làm một chương trình hoành tráng để phục vụ nhân dân là đúng nhưng phải đầu tư sao cho thật chính xác. Không đặt nặng yếu tố nghệ thuật hay giải trí mà phải đặt yếu tố công chúng lên trên hết.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục