Tôi sắp xếp công việc và đón Grab đến ngay quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Trãi, dưới chung cư mà gia đình nhạc sĩ Vũ Hoàng đang ở. Mấy năm nay, kể từ ngày bị tai biến, dường như nhạc sĩ Vũ Hoàng không đi đâu xa. Nếu có ai mời ghi hình, phỏng vấn “tác giả - tác phẩm” thì vợ hoặc con trai của anh phải trợ giúp.
Tôi đến quán cà phê đã thấy Vũ Hoàng đang ngồi trò chuyện với Giám đốc Công ty Bến Thành Audio - Video Phạm Quốc Thành. Vũ Hoàng bắt tay tôi, bàn tay anh mềm mại và giọng nói trầm ấm: “Bài thơ Chiều Trường Sơn của anh in trong tập Tiếng chim trong vườn (NXB Thanh Niên - 2017), tôi đọc xúc động quá”.
Nhạc sĩ Vũ Hoàng nói tiếp: “Thơ anh như đã có sẵn nhạc ở trong ấy. Tôi viết bài này nhân dịp cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại. Và, để tặng những chiến sĩ đã vượt Trường Sơn, góp phần cho sự toàn thắng của dân tộc”.
Như không thể kìm được cảm xúc, nhạc sĩ Vũ Hoàng hát cho chúng tôi nghe. Giọng ấm áp, truyền cảm của anh như đưa tôi trở lại Trường Sơn, nơi cách đây gần 50 năm chúng tôi đã hành quân vào chiến trường Nam bộ chiến đấu. Và, cũng là nơi cách đây 10 năm, chúng tôi trở lại Trường Sơn để thực hiện những công trình tình nghĩa tri ân đồng đội.
10 năm trước, nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (1959 - 2009), Báo Sài Gòn Giải Phóng (nơi tôi làm việc) đã phát động chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Với sự ủng hộ của toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Vietcombank, Vietinbank... , chúng tôi đã có trong tay gần 150 tỷ đồng để thực hiện những việc làm tình nghĩa.
Một chiều mưa, cuối năm 2010, tôi và nhà báo Nguyễn Đức, Phó ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, trở lại bến phà Long Đại (tỉnh Quảng Bình) - một trọng điểm đánh phá khốc liệt của địch thời chống Mỹ. Nơi đây đồng đội chúng tôi đã có hàng ngàn người nằm lại hoặc hiến dâng một phần thân thể. Chúng tôi chọn quả đồi nằm cạnh ngã ba sông làm nơi xây dựng đền thờ liệt sĩ.
Tôi như người mộng du. Mùa xuân đang đến. Gió heo may ngọt ngào. Dưới chân tôi, đồi sim tím và tím cả những cánh hoa bằng lăng...
Đêm ấy, tôi thao thức không thể nào ngủ được. Kỷ niệm 40 năm trước hành quân qua đây như một cuốn phim chầm chậm. Đêm càng khuya, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray và tiếng còi tàu trên cầu Long Đại càng da diết... Tôi đã viết bài thơ Chiều Trường Sơn trong cảm xúc dâng trào ấy.
Từ Long Đại đến Làng Ho, Binh trạm 5 đầu đường Trường Sơn không xa. Ngày mai, chúng tôi sẽ đến Làng Ho. Dự án xây dựng lại toàn bộ bản Làng Ho do Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tài trợ sẽ là quà tặng cho bà con dân tộc Vân Kiều đã sắt son theo cách mạng, giúp đỡ bộ đội Cụ Hồ suốt mấy mùa kháng chiến...
Đọc Chiều Trường Sơn, nhạc sĩ Vũ Hoàng đồng điệu với cảm xúc của tôi. Những giai điệu như thai nghén từ lâu bừng lên trong trái tim mẫn cảm của người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời những bài ca đi cùng năm tháng.
Tôi quen biết Vũ Hoàng hơn 30 năm trước, khi chúng tôi cùng sinh hoạt tại Nhà Văn hóa Thanh niên (NVHTN) TPHCM. Trong các lần giới thiệu tác phẩm mới do NVHTN tổ chức, Vũ Hoàng và các nhạc sĩ trong nhóm Những người bạn (Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên...) của anh giới thiệu ca khúc mới, thì cánh làm thơ trẻ chúng tôi trình làng các sáng tác mới của mình.
Hơn bốn thập niên qua, tên tuổi Vũ Hoàng đã gần gũi, thân thiết với công chúng cả nước, đặc biệt lớp trẻ. Chỉ với những ca khúc: Hương thầm (phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn), Bụi phấn (phổ thơ Lê Văn Lộc), Mùa hè xanh..., Vũ Hoàng đã tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Nhạc của Vũ Hoàng trẻ trung, lành mạnh, hừng hực hơi thở cuộc sống, dễ đi vào lòng người. Tôi may mắn có một số bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc. Có những bài được bạn trẻ yêu thích như: Ngày về thành phố, Sài Gòn đêm pháo hoa, Trăm năm xanh mãi... Bây giờ Chiều Trường Sơn ra đời. Đứa con tinh thần quý giá của chúng tôi như món quà tri ân đồng đội, nhân dân, nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại.
Chia tay nhạc sĩ Vũ Hoàng ra về, trong đầu tôi vẫn âm vang giọng trầm ấm, tha thiết của anh: Mọi thứ có thể quên. Chỉ một thời xa vắng..., mãi còn!
TPHCM Xuân Kỷ Hợi - 2019.