
3 loại virus cúm A, B và C gây bệnh
Đến nay, các chuyên gia nhận dạng được 3 type virus cúm là type A, B và C. Trong đó, type A xảy ra phổ biến nhất và đã gây trên 3 trận đại dịch xuyên nhiều quốc gia. Type A có thể gây bệnh nặng và tử vong, nhất là với trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mãn tính về đường hô hấp và tim mạch. Type B hiếm khi gây dịch lớn. Type C chỉ gây bệnh cúm nhẹ và lẻ tẻ ở người.

Tách chiết ARN của virus cúm trong bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân nghi nhiễm cúm gia cầm tại Viện Pasteur TPHCM.
Riêng type A còn chia ra nhiều phân type, được đặt tên bằng những chữ H và N. Một con virus hoàn chỉnh có 2 cấu trúc quan trọng trên bề mặt là kháng nguyên HA - gọi tắt là H và kháng nguyên NA - gọi tắt là N. Đến nay, có 15 kháng nguyên H - đánh số thứ tự từ H1 đến H15 và 9 kháng nguyên N, ghi số thứ tự từ N1 đến N9.
Tuy nhiên, chỉ có dưới 10 loại phân type virus cúm A phổ biến ở người và động vật. Virus cúm ở người chỉ có H1, H2 và H3 bắt cặp với N1 hoặc N2 - ngoài các phân type này thì virus của động vật khác truyền qua người, như H5N1. Động vật có vú (heo, ngựa, cá heo, hải cẩu) thì có thêm H7, N7 và N8.
Các loài có cánh (chim, thủy cầm, gia cầm) có đủ các phân type. Bình thường, virus cúm khó thể lây sang người, nhưng trong điều kiện đặc biệt, virus có thể “nhảy” thẳng từ gia cầm sang người không cần qua trung gian một loài động vật có vú nào, như virus H5N1 hiện nay.
Khi virus có sự thay đổi lớn và đột ngột sẽ gây ra dịch, như chuyển từ phân type H1N1 sang H2N2 vào năm 1957 gây đại dịch “cúm châu Á” làm khoảng 1 triệu người chết. Năm 1968, virus đột ngột chuyển từ H2N2 sang H3N2 gây đại dịch “cúm Hồng Công”, gần 1 triệu người chết.
Hiện nay, các phòng thí nghiệm virus cúm ở Việt Nam đang làm xét nghiệm và nghiên cứu cúm A (H1N1, H3N2, H5N1) và cúm type B. Năm 2004, Viện Pasteur TPHCM gửi nhiều mẫu bệnh phẩm nghi ngờ cúm H5N1 sang Viện Quốc gia các bệnh nhiễm trùng Nhật Bản.
Kết quả mẫu dương tính tại Viện Pasteur giống với kết quả tại Nhật Bản. Năm 2005, Viện Pasteur TPHCM chọn ngẫu nhiên 2 mẫu dương tính và 2 mẫu âm tính virus H5N1 gửi đi Nhật Bản. Kết quả đều trùng khớp nhau và được Tổ chức Y tế thế giới công nhận chính xác.
Trên thế giới, vaccine cho người đã có vaccine cúm H1N1, H2N2, H3N2 và type B. Virus cúm đang lưu hành rộng rãi ở các nước và tại Việt Nam là cúm A (H3N2) và A (H1N1). Việt Nam đã nhập vaccine cúm H5N1 và đang dùng để tiêm ngừa cho gia cầm ở 47 tỉnh-thành. Còn vaccine dùng cho người hiện đang được nghiên cứu để sản xuất.
(Tư liệu do bác sĩ Phan Văn Tú, Phó trưởng khoa Vi sinh miễn dịch Viện Pasteur TPHCM, cung cấp)
TRƯƠNG NGỌC