Nhận thức tầm quan trọng của việc tiếp công dân

Luật Tiếp công dân đã được Quốc hội khóa XIII, thông qua ngày 25-11-2013, với 9 chương và 36 điều, quy định về trách nhiệm trong việc tiếp công dân và giải đáp các thắc mắc về quyền và nghĩa vụ của người dân đến kiến nghị, phản ảnh. Sự ra đời của đạo luật này đã xây dựng một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh về việc tổ chức và tiếp công dân, đồng thời đảm bảo công khai, dân chủ.

Theo quy định của Luật Tiếp công dân, công dân đến các trụ sở đón tiếp sẽ có quyền được trình bày về nội dung mà mình muốn kiến nghị, tố cáo, phản ánh; được hướng dẫn, giải thích về những nội dung liên quan đến vụ việc và được nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý trường hợp của mình. Công dân còn được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo (Điều 7). Bên cạnh quyền, luật cũng quy định rõ về nghĩa vụ của người dân khiếu nại, tố cáo.

Theo đó, công dân đến làm việc phải nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân cần thiết, phải có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân; trình bày trung thực sự việc; công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và hướng dẫn của người tiếp công dân; trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, luật quy định người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn và ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo trình bày; trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý; thông báo kết quả xử lý cho công dân (Điều 8). Đặc biệt, Luật Tiếp công dân còn quy định về việc lãnh đạo cơ quan phải tiếp dân ít nhất 1 lần 1 tháng.

Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng. Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tuần (Điều 18). Với những quy định như vậy, luật đã xây dựng được quy trình tiếp công dân một cách dân chủ, công khai, góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hoạt động tiếp công dân.

Luật Tiếp công dân sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Luật ra đời tạo nên một sự nhận thức nghiêm túc, đầy đủ về tầm quan trọng của việc tiếp công dân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, để từ đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành cũng như những người có trách nhiệm khác trong việc tiếp dân, góp phần giải quyết chặt chẽ các vấn đề của dân và đảm bảo công khai, dân chủ.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục