Nhanh chóng khai thác cơ hội từ EVFTA

EVFTA chắc chắn sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường rộng lớn EU, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra.

Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn y quyết định của Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) vào ngày 30-3, đánh dấu việc hoàn tất toàn bộ tiến trình phê chuẩn EVFTA về phía Liên minh châu Âu. Theo quy trình, EVFTA sẽ được triển khai sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi 2 bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau. EVFTA chắc chắn sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường rộng lớn EU, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra. 

Nhanh chóng khai thác cơ hội từ EVFTA ảnh 1 Đưa cá từ tàu khai thác lên bờ để chế biến xuất khẩu tại huyện Gò Công Đông ngày 1-4-2020. Ảnh: CAO THĂNG

Gần 100% kim ngạch xuất khẩu sẽ hưởng mức thuế 0% 

EU là một khối kinh tế gồm 27 nước lớn thứ 2 thế giới, với 500 triệu dân, GDP đạt 18.000 tỷ USD. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD; trong đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Anh (5,76 tỷ USD), Pháp (3,76 tỷ USD,), Italy (3,44 tỷ USD), Áo (3,27 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD), Bỉ (2,55 tỷ USD). 

Trong năm 2020, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Nắm bắt cơ hội  

Thế mạnh của Việt Nam là dệt may, trái cây nhiệt đới; thế mạnh của EU là máy móc thiết bị, dược phẩm… Cơ cấu kinh tế giữa EU và Việt Nam bổ sung, hỗ trợ cho nhau. EVFTA sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho nông lâm thủy sản Việt Nam, do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Ở nhóm hàng công nghiệp thì dệt may, giày dép cũng được hưởng lợi nhiều nhất vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao, sẽ đưa về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ, hàng dệt may đang phải chịu thuế 7% - 17%, khi thuế về 0% thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD năm 2023 và 5,82 tỷ USD năm 2028. 

Tuy nhiên, theo cam kết trong EVFTA, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc, xuất xứ sẽ là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp (DN) dệt may, bởi nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay vẫn chủ yếu là nhập khẩu. Để được hưởng mức thuế quan ưu đãi từ EVFTA, hàng dệt may Việt Nam phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn của Việt Nam, hoặc phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc EU và các nước có hiệp định song phương với EU. Nếu đáp ứng được những quy định này, dệt may Việt Nam sẽ phát triển bền vững. Để tận dụng cơ hội trong EVFTA, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là công việc cấp bách hàng đầu.

Với ngành nông sản, phải thực hiện nghiêm các quy định về rào cản kỹ thuật cũng như an toàn thực phẩm đã được cam kết trong EVFTA. Nông dân cần chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ giữa các DN trong nước với nhau và giữa DN trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu. EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, DN phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn - là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU.

Để quyết định sự thành bại trong quá trình hội nhập thì cần 2 vế là Nhà nước và DN. Nhà nước cần kiến tạo các chính sách phù hợp, tiếp tục cải thiện môi truờng kinh doanh gắn với phát triển DN và tận dụng tốt công nghệ 4.0. Phía DN cần nắm vững các nội dung từ EVFTA có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của mình, có phân tích đầy đủ điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, để xây dựng chương trình hành động, nghiên cứu thị trường EU; hợp tác với các DN, các viện, trường để đầu tư vào khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, cần hợp tác với các đối tác EU, tham gia chuỗi giá trị, tiến tới hợp tác dài hạn và ổn định. Chỉ khi nắm bắt kịp các cơ hội này, EVFTA sẽ giúp chúng ta giải bài toán phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau dịch.

“Các ngành sản xuất trong nước cần tập trung hình thành chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN, hình thành và phát huy hiệu quả các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN, cũng như hình thành các cụm liên kết vùng để các ngành hàng trong nước tận dụng thế mạnh và lợi thế trong bối cảnh hội nhập”, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, phân tích.

Tin cùng chuyên mục