
Cách nay vài năm, từ một vài cửa hàng rau sạch ra đời phục vụ giới khá giả vì giá cao ngất ngưởng, đến nay rau sạch đã trở thành nhu cầu trong bữa cơm hàng ngày của nhiều gia đình. Hàng loạt cửa hàng rau sạch đua nhau mọc lên, gắn với chuẩn GAP thể hiện đẳng cấp. Nhưng đằng sau chữ GAP ấy vẫn còn nhiều chuyện nhập nhằng.

Chọn mua trái cây tại một cửa hàng rau sạch.
“Sạch” đủ thứ?
Điểm bán rau sạch đầu tiên tại TPHCM được nhiều bà nội trợ biết đến là một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng với nhiều loại rau cao cấp như lô lô đỏ, lô lô xanh, măng tây, xà lách La Mã…, giá bán cao gấp đôi, gấp ba giá chợ.
Một khách hàng thường xuyên của cửa hàng này thuở đó kể lại: “Chỉ là rau, vậy mà người ta tranh nhau mua, hóa đơn nào cũng bạc triệu, đi trễ một chút là hết sạch”. Ăn nên làm ra, cửa hàng này đã nâng cấp thành một siêu thị mini cao cấp với đủ thứ mặt hàng và đó là lúc khách hàng bắt đầu ngờ ngợ về chữ “sạch”. Ngoài các loại rau, cửa hàng bổ sung đủ thứ mặt hàng nội và ngoại nhập, kể cả những mặt hàng linh tinh như cóc, ổi, lá trà xanh, tỏi…
Một cửa hàng “thực phẩm sạch” khác được mở ra trên đường Phan Xích Long cũng được nhiều người chú ý trong ngày khai trương. Kệ hàng đẹp, có máy lạnh, chí ít cũng khẳng định “đẳng cấp” và giá cả. Thế nhưng những trang thiết bị ấy không qua mặt được người tiêu dùng thông minh, nhất là những bà nội trợ chuyên nghiệp. Rau xanh có bao bì hẳn hoi nhưng không biết xuất xứ ở đâu.
Chị bán hàng cũng là người xởi lởi, giới thiệu thêm, nào cá ngừ đại dương, mực một nắng, cá lóc đồng… Khi hỏi có sạch thật không, chị bán hàng vẫn một mực khẳng định sạch. Chỉ một thời gian sau, quầy rau ở đây chỉ còn lại một khoảnh khiêm tốn, nhường chỗ cho các kệ hàng thực phẩm ngoại nhập.
Trong khi người tiêu dùng còn chưa rành rọt đâu là tiêu chuẩn ViệtGAP, đâu là GlobalGAP thì vài cửa hàng chơi trội căng biển “rau Organic” (trồng theo phương pháp hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng chất hóa học trong quá trình trồng và đất trồng đảm bảo sạch, không nhiễm chất hóa học hay dioxin…).
Một cửa hàng rau trên đường Nguyễn Đình Chiểu tự hào quảng cáo với khách hàng rằng toàn bộ sản phẩm của họ, từ cọng hành đến súp lơ xanh, đều đạt chuẩn Organic, kể cả bó rau rừng được thu hoạch từ Buôn Ma Thuột.
Ăn theo rau sạch
Theo giá thị trường, giá rau sạch cao gấp 2 - 3 lần. Nhiều mặt hàng mới, giá còn cao hơn, như cà chua giống Hà Lan, ăn như một loại trái cây, giá lên đến 60.000 đồng/kg. Còn nếu là hàng đạt chuẩn Organic, giá đội lên từ 3 - 6 lần. Giá trên trời như vậy nên hiện tượng các cửa hàng bán rau với danh nghĩa rau sạch ồ ạt ra đời cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là có phải tất cả các sản phẩm bày bán trong các cửa hàng này đều “sạch”?
Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng sản phẩm Organic ở Việt Nam chưa có đơn vị nào kiểm định và tiêu chuẩn trồng rất khắt khe, nên nông dân khó có thể đảm bảo được. Chưa kể sản phẩm đạt chuẩn này thường trông không bắt mắt, chứ không thể có mã đẹp như các cửa hàng bày bán.
Theo ghi nhận, ngoài hệ thống siêu thị tiêu thụ nguồn hàng rau đạt chuẩn ViệtGAP, chỉ có số ít cửa hàng tư nhân bày bán rau sạch có niêm yết nguồn gốc rõ ràng, như Đà Lạt GAP có trang trại riêng, hay Karot (trên đường Trần Quang Khải) lấy nguồn hàng từ HTX Anh Đào, Đà Lạt.
Tuy vậy, hầu hết các cửa hàng có một điểm chung: ngoài rau sạch đều bán kèm nhiều mặt hàng thực phẩm khác với giá ăn theo rau sạch. Như cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng vừa nêu, từ một cửa hàng rau sạch, nay như một… tiệm tạp hóa, ngoài rau còn có đủ mặt hàng công nghệ thực phẩm nội - ngoại nhập.
Ngay như cửa hàng Đà Lạt GAP, cũng thấy bán thêm táo, nho Mỹ, lê Hàn Quốc và cả khoai lang chiên giòn với giá khá cao. Cửa hàng Karot còn bày bán thêm rượu vang, bưởi Năm Roi, vú sữa, ổi, nhưng khi hỏi có đảm bảo “sạch” không thì người bán phải ngập ngừng.
Thực tế thị trường rau sạch cho thấy người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn rau, chỉ nên mua rau có ghi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc mua thêm các mặt hàng khác ngoài rau, nên cân nhắc kỹ lưỡng, không khéo phải trả tiền… máy lạnh mà cứ ngỡ là hàng “sạch”.
THƯ LÊ