Nhật Bản đẩy mạnh giảm phát thải CO2

Theo đài NHK, Bộ Công nghiệp Nhật Bản sẽ tài trợ cho một số dự án để đưa vào ứng dụng thực tế công nghệ thu hồi và lưu trữ CO2. Quá trình thu hồi CO2 được gọi là CCS, tách và thu CO2 phát ra từ các nhà máy và lưu trữ sâu trong lòng đất.
Dự án thu hồi và lưu trữ CO2 tại Hokkaido, Nhật Bản
Dự án thu hồi và lưu trữ CO2 tại Hokkaido, Nhật Bản

Thử nghiệm hiện đang diễn ra ở Hokkaido. Chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho 7 dự án mới, dự kiến bắt đầu từ năm tài chính 2030, trong đó có 5 dự án tại Nhật Bản và 2 dự án ở nước ngoài. Một trong số này có sự tham gia của công ty năng lượng Nhật Bản Eneos và các công ty khác, với nội dung lưu trữ ngoài khơi bờ biển phía Bắc và Tây Kyushu lượng CO2 thải ra từ các nhà máy lọc dầu và các cơ sở nhiệt điện.

Một dự án khác sẽ lưu trữ ở các khu vực dọc biển Nhật Bản với lượng CO2 thu được từ các nhà máy thép, có sự tham gia của Công ty thương mại Itochu và Công ty thép Nippon Steel. 1 trong 2 dự án ở nước ngoài có sự tham gia của Công ty thương mại Mitsui & Co., trong đó CO2 thu được tại Nhật Bản sẽ được vận chuyển và lưu trữ ở các khu vực ngoài khơi Malaysia.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ lưu trữ tối đa 12 triệu tấn CO2 dưới lòng đất, tương đương với 1% lượng khí thải CO2 hàng năm của Nhật Bản.

Theo số liệu được Bộ Môi trường Nhật Bản công bố hồi cuối tháng 4 vừa qua, trong năm tài chính 2021-2022, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại quốc gia Đông Á tăng lên mức tương đương 1,17 tỷ tấn CO2, so với mức 1,15 tỷ tấn của 1 năm trước đó. Vì vậy, ngoài phương án thu hồi và lưu trữ CO2, Nhật Bản đang có kế hoạch mở rộng các cơ sở năng lượng gió ngoài khơi tới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nhằm đẩy mạnh nỗ lực trung hòa carbon và đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo hãng tin Kyodo, vốn không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản phụ thuộc vào nhiệt điện. Trong bối cảnh thế giới ngày càng hướng tới các biện pháp giảm thiểu khí carbon, Nhật Bản cũng cần khai thác thêm các nguồn năng lượng tái tạo, vốn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng sản lượng năng lượng của nước này hiện nay. Trên thế giới hiện có một số nước châu Âu như Anh, Bỉ và Hà Lan đã xây dựng các trang trại điện gió trong vùng EEZ của mình. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh việc sản xuất năng lượng gió.

Nhật Bản hiện có các turbine gió ngoài khơi được gắn cố định dưới đáy biển trong lãnh hải. Trong vùng EEZ nước sâu, các chuyên gia cho rằng phù hợp để lắp turbine nổi và sẽ phải mất nhiều năm để các cơ sở này đi vào hoạt động.

Nhật Bản hiện hướng tới tăng sản lượng điện gió ngoài khơi lên 30-45 gigawatt, tương đương với công suất của khoảng 45 lò phản ứng hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm từ 30%-36% trong tổng sản lượng năng lượng cho năm tài chính 2030, tăng gấp đôi so với năm tài chính 2019.

Vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng các cơ sở điện gió ngoài khơi trong vùng EEZ là Chính phủ Nhật Bản sẽ phải quyết định vị trí nào được phép lắp đặt các thiết bị này và phải tham vấn với các bên liên quan.

Báo cáo của nhóm chuyên gia nêu rõ, Chính phủ Nhật Bản có thể thiết lập khu vực an toàn quanh các cơ sở và kiến trúc như turbine gió, nhưng đồng thời phải đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả các nước.

Tin cùng chuyên mục