Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác thương mại

Sau khi chậm nhịp so với các quốc gia khác về việc xúc tiến ký kết các thỏa thuận về tự do thương mại (FTA), Nhật Bản tăng tốc tham gia các vòng đàm phán với các đối tác quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc. Một số chuyên gia kinh tế nhận định với chuyển động này, Nhật Bản sẽ đóng vài trò trung tâm trong các thỏa thuận hợp tác thương mại.
Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác thương mại

Sau khi chậm nhịp so với các quốc gia khác về việc xúc tiến ký kết các thỏa thuận về tự do thương mại (FTA), Nhật Bản tăng tốc tham gia các vòng đàm phán với các đối tác quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc. Một số chuyên gia kinh tế nhận định với chuyển động này, Nhật Bản sẽ đóng vài trò trung tâm trong các thỏa thuận hợp tác thương mại.

  • Mối lợi từ FTA

Ngày 15-3-2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo sẽ tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với sự góp mặt của Nhật Bản, TPP sẽ chiếm đến 40% giá trị GDP toàn cầu. Sau đó, ngày 25-3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, đã quyết định thảo luận với ông Abe về khu vực tự do EU-Nhật Bản. Cả EU và Tokyo đều có động lực thật sự để thúc đẩy ký kết FTA khi mà các doanh nghiệp EU sẽ không bị cản trở bởi hàng rào thuế quan khi thâm nhập thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, các sản phẩm như ô tô và hàng điện tử của Nhật Bản cũng sẽ được giảm thuế khi vào EU. Điều này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Nhật Bản có được sự ngang bằng về lợi thế cạnh tranh với các đối thủ đến từ Hàn Quốc.

Mỹ luôn lo ngại về sản phẩm ô tô Nhật Bản ngập tràn thị trường nước này. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp ô tô của Toyota.

Mỹ luôn lo ngại về sản phẩm ô tô Nhật Bản ngập tràn thị trường nước này. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp ô tô của Toyota.

Gần nhất, Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc đã có vòng đối thoại 3 bên đầu tiên về thỏa thuận thương mại tự do giữa 3 nước. Nếu thành công, khu vực thương mại tự do này sẽ chiếm 20% GDP toàn cầu. Chưa kể trong tháng 5 tới, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 quốc gia thành viên ASEAN cũng sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ 4 về FTA.

Với những mối lợi thấy rõ từ FTA mang lại, rất nhiều chuyên gia kinh tế kêu gọi Chính phủ Nhật Bản không thể bỏ qua. Ivan Tselichtchev, nhà kinh tế tại Đại học quản lý Niigata (Nhật Bản) thúc giục “Tokyo phải hành động ngay, hoặc bây giờ hoặc không bao giờ”.

  • Trở ngại

Tuy nhiên, cũng sẽ không ít các vật cản có thể ngáng đường Nhật Bản tiếp cận các FTA. Đối với TPP, những vấn đề chính trị sẽ là nhân tố có thể làm khó Nhật Bản. Washington sẽ dè chừng Tokyo khi mà ngành công nghiệp sản xuất xe hơi của Mỹ luôn lo ngại về “cơn lũ” sản phẩm của các công ty Nhật Bản như Toyota ngập tràn thị trường nước này. Trong khi đó, nông dân Nhật Bản đang phản đối nước này tham gia TPP bởi nỗi lo nông sản của họ khó cạnh tranh tại thị trường châu Âu và Mỹ.

Thỏa thuận FTA Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc được đánh giá có nhiều khó khăn hơn cả. Vòng đàm phán đầu tiên giữa 3 nước vừa qua kết thúc mà không thu được một thỏa thuận cụ thể nào. Ông Andrei Ostrovsky, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng chính sách chống bảo hộ nông nghiệp là điểm mấu chốt ngăn chặn FTA 3 bên khi vấn đề này đã tồn tại hơn 10 năm qua mà chưa có hướng giải quyết. Hiệp hội Nông dân và hàng loạt tổ chức phi chính phủ tại Hàn Quốc kiên quyết đòi chính phủ nước này chấm dứt các cuộc thương lượng về thành lập FTA bởi sẽ gây thiệt hại cho nông nghiệp mà chẳng được bất kỳ lợi lộc gì từ dự án này.

Khi vấn đề về nông nghiệp chưa được tháo gỡ, 3 quốc gia này lại vấp phải một trở ngại hết sức căng thẳng nữa là việc tranh chấp lãnh thổ trên biển. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền không thể chối cãi với đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo vốn đang nằm dưới sự quản lý của Seoul. Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền bất khả xâm phạm đối với quần đảo Điếu Ngư mà Tokyo gọi là Senkaku đang nằm trong bản đồ hành chính của Nhật Bản. Vì vậy, giới quan sát nhận định FTA Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc sẽ còn lâu mới đạt được bước tiến lớn bởi các bên lại vướng thêm một câu hỏi lớn: FTA hay chủ quyền biển đảo, cái nào nặng ký hơn?

Ký kết FTA với từng quốc gia riêng lẻ hay khu vực nhỏ hiện đang là xu hướng chung của các nền kinh tế lớn do các vòng đàm phán về tự do thương mại toàn cầu đã bị thất bại. Không riêng gì Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, khối EU cũng đang dùng đòn bẩy tự do thương mại khu vực để mở rộng thị trường của họ. 

ĐỖ VĂN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục