Theo tờ South China Morning Post, để giải bài toán khó: vừa đảm bảo an ninh công cộng, giảm áp lực công việc, vừa khuyến khích người dân chấp hành đúng luật, lực lượng cảnh sát Thâm Quyến đã sử dụng máy ảnh độ nét cao và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) độc quyền do Công ty Intellifusion phát triển để xác định những người vi phạm luật giao thông, cho dù họ đang lái xe hay đi bộ. Điều đáng nói, thay vì phạt vi cảnh, hệ thống AI mang tên Intellivision này ghép nối thông tin từ biển số xe hơi đến gương mặt của tất cả mọi người với hệ thống thông tin lưu trữ của lực lượng cảnh sát, từ đó hiển thị tên và khuôn mặt của những người đi bộ hoặc lái xe lên màn hình LED được lắp đặt ở các ngã tư, con phố lớn, khiến họ cảm thấy xấu hổ, từ đó tự điều chỉnh hành vi để không phạm luật giao thông nữa.
Theo số liệu của cảnh sát Thâm Quyến, 10 tháng sau khi hệ thống được đưa vào hoạt động, có tới 13.930 người đi bộ trái luật được hiển thị trên màn hình LED tại một ngã tư sầm uất ở quận Phúc Điền. Với người lái xe hơi và các phương tiện giao thông khác, hệ thống có thể xác định bằng cách so sánh khuôn mặt trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát, từ đó xác định họ có đáng bị thu hồi giấy phép cho các vi phạm trước đó hay không. Công nghệ tương tự cũng đang được sử dụng trên cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền Hồng Công - Chu Hải - Ma Cau dài 55km. Ngoài ra, các nhà chức trách cũng đang thử nghiệm các camera có độ phân giải cao, hệ thống khớp dấu vân tay và cảm biến nhiệt trên một làn đường nhập cư tại khu vực kiểm soát biên giới ở Chu Hải để tăng tốc độ thông quan.
Công ty Intellifusion cũng có kế hoạch hợp tác với những tập đoàn công nghệ lớn khác như Tencent hay các nhà khai thác mạng viễn thông để giới thiệu một hệ thống mà người đi bộ sẽ được thông báo về sự vi phạm của họ tức thời. Theo đó, tin nhắn sẽ được gửi qua các ứng dụng điện thoại thông minh như WeChat khi họ vừa thực hiện hành vi vi phạm luật.
Hiện chính quyền các địa phương Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ để mở rộng vùng phủ sóng của camera giám sát nhằm cải thiện an ninh công cộng. Một thành phố ở phía Đông Trung Quốc, thuộc tỉnh Giang Tô, thậm chí còn tuyên bố hệ thống camera an ninh của họ bao phủ mọi ngóc ngách và không có điểm mù. Theo Công ty Nghiên cứu IDC, chi tiêu cho các thành phố thông minh ở Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải và Seoul dự kiến đạt hơn 4 tỷ USD trong năm 2019. Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn chi tiêu liên quan đến công nghệ, với phần lớn đầu tư vào thiết bị giám sát trực quan được gắn cố định. Trung Quốc sắp vượt qua Anh để trở thành quốc gia có hệ thống theo dõi lớn nhất thế giới, với gần 200 triệu camera giám sát công cộng và tư nhân trên khắp đất nước, nhất là tại Bắc Kinh và Thượng Hải.