Lộ trình được xây dựng trên đề xuất từ một nhóm chuyên gia của chính phủ trình lên Bộ trưởng Tư pháp Yoshihisa Furukawa vào năm ngoái. Trong lộ trình mới, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu cấp thẻ mới cho người nước ngoài vào tài khóa 2025, trong đó tích hợp các chức năng của thẻ an sinh xã hội và mã số thuế “My Number” với thẻ cư trú.
Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ chủ động gửi các thông tin tới người nước ngoài trong các tình huống khẩn cấp, như động đất, sóng thần hay dịch Covid-19, thông qua trang web Mynaportal cho những người có thẻ “My Number”.
Lộ trình trên cũng bao gồm kế hoạch đệ trình lên Quốc hội dự luật về thiết lập hệ thống cấp chứng nhận cho các giáo viên tiếng Nhật vào cuối tài khóa 2026. Hiện cơ hội cho người nước ngoài học tiếng Nhật khá hạn chế ở đất nước Mặt trời mọc.
Vài năm gần đây, việc thúc đẩy một xã hội cùng chung sống thân thiện với người nước ngoài đã được thực hiện nhiều địa phương Nhật Bản, trong bối cảnh các địa phương này đang tăng cường thu hút lao động nước ngoài. Không chỉ giới hạn trong phạm vi các hoạt động hỗ trợ người nước ngoài do chính quyền thực hiện, chính cộng đồng cư dân đã trở thành những nhân tố tích cực trong nỗ lực này.
Theo giới chuyên gia kinh tế, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là một trong những biện pháp nhằm giảm nhẹ những hệ lụy của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do tỷ lệ sinh ở mức rất thấp.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Viện Quản lý giá trị thuộc Tập đoàn Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, nước này cần tới 6,74 triệu lao động nhập cư vào năm 2040, tức gấp gần 4 lần hiện nay, mới đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính phủ.
Do đó, lao động người nước ngoài đến Nhật Bản tăng mạnh sẽ đóng góp kinh tế lớn cho quốc gia này, đặc biệt trong các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và đóng tàu, các ngành công nghiệp khách sạn và bán lẻ. Ngành điều dưỡng cũng đang thiếu hụt nhân viên do số lượng người về hưu ngày càng tăng
Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng những thay đổi lớn có thể sẽ duy trì dòng người nhập cư. Năm 2017, Nhật Bản đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ thường trú cho công nhân lành nghề. Năm 2018, nước này thông qua đạo luật mở rộng đáng kể số lượng thị thực cho “công nhân cổ xanh” và có thể cung cấp thẻ thường trú nếu họ muốn. Bên cạnh đó, chính phủ cũng chi ngân sách xây dựng và cấp ngân sách hoạt động cho các trung tâm hỗ trợ cho người nước ngoài ở các địa phương, xây dựng cơ chế giới thiệu việc làm cho người nước ngoài...
Thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản cho biết, đến cuối năm 2021, có hơn 2,76 triệu người nước ngoài ở Nhật Bản, giảm 4,4% so với một năm trước đó, chủ yếu do nước này siết chặt kiểm soát biên giới do dịch Covid-19 tái bùng phát. Đây là năm thứ hai liên tiếp số người nước ngoài ở Nhật Bản giảm.
Tính theo quốc gia/vùng lãnh thổ, Trung Quốc là nước có số người ở Nhật Bản đông nhất với 716.606 người, chiếm 26% trong tổng số người nước ngoài ở Nhật Bản. Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai với 432.934 người, chiếm 15,7%.