Nhiệt điện trước áp lực chi phí cao

Sáng 18-5 tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), Hội Truyền thông số Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Báo Kinh tế & đô thị đã tổ chức tọa đàm về tiết kiệm năng lượng để đảm bảo điện cho mùa nắng nóng. 
Cuộc tọa đàm sáng 18-5

Tại cuộc tọa đàm, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, các nhà máy nhiệt điện đang đứng trước áp lực và thách thức về chi phí than và dầu để hoạt động do giá mua cao. 

"Giá than từ 90USD/tấn, trong thời gian qua đã lên 200USD, có lúc 400USD/tấn. Giá hiện tại là 230USD/tấn và chúng tôi dự báo trong thời gian tới có thể lên 279USD/tấn, gấp ba lần năm ngoái", ông Lâm nói. 

Còn theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn, khi giá than trên thế giới tăng cao, các đơn vị khai thác sẽ có tâm lý "thà xuất khẩu còn hơn bán cho EVN". Chuyên gia này cho rằng bài toán này không dễ giải trong bối cảnh toàn cầu đang có nhu cầu cao về than đá. 

"Các nước EU đang trở thành đối thủ tiêu thụ cạnh tranh với Việt Nam khi nguồn cung sụt giảm, nhiều nước (chẳng hạn như Đức) đang phải tăng khai thác và nhập khẩu" - ông Sơn nói. 

Nhiệt điện đang đứng trước nỗi lo chi phí tăng cao

Tương tự, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá dầu cũng được dự báo còn có thể lên, sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án nhiệt điện. 

Ông Võ Quang Lâm chia sẻ, đến nay Việt Nam đã có hơn 10 năm thực hiện theo thị trường mua bán điện cạnh tranh, tức là đơn vị sản xuất điện nào chào bán giá rẻ hơn thì EVN mua. Nhưng trong thời điểm nhu cầu tăng cao thì buộc phải huy động nguồn từ những nguồn điện giá cao (nhất là điện chạy dầu). "Nếu giá dầu thế giới trong thời gian tới tiếp tục tăng cao thì chi phí cho 1kWh điện sẽ cao hơn", ông Lâm nói. 

Thông tin từ EVN cho biết, hiện tập đoàn này và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam cùng Tổng công ty Đông Bắc đã đạt thỏa thuận về cung ứng, tạm thời khắc phục tình trạng thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện. Trước đó, nhiều nhà máy nhiệt điện đã phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động do không đủ than để vận hành, báo động nguy cơ thiếu điện. 

Cụ thể, tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đã có phần được cải thiện. Song chuyên gia Hà Đăng Sơn vẫn đề nghị trong vòng 6 tháng tới, Bộ Công thương và EVN phải có giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Bởi năm ngoái nhu cầu về điện không cao nhưng năm nay sẽ là thách thức. 

Tin cùng chuyên mục