Thời gian gần đây, nhiều cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng (CĐ) Lý Tự Trọng cảm thấy bất an trước hàng loạt những sai phạm về mặt tài chính, cũng như nhiều quyết định bổ nhiệm nhân sự tréo ngoe của trường.
Nhiều sai phạm
Hiện nay tất cả các máy móc, thiết bị thực hành và phòng học 2 khoa Động lực và Điện - Điện tử trong tình trạng ngổn ngang. Tại Khoa Động lực, các thiết bị thực hành, động cơ ô tô đều xếp xó, thậm chí nhét dưới gầm cầu thang ở tầng trệt nhiều tháng nay. Nhiều cán bộ giảng viên băn khoăn: “Những thiết bị, máy móc thực hành đắt tiền mà đem nhét dưới gầm cầu thang và bụi bặm, gỉ sét thì sẽ bị hư hết. Năm học mới đã cận kề mà giờ này còn ngổn ngang như thế, không biết sinh viên nhập học lấy đâu ra phòng để dạy”. Tại Khoa Điện - Điện tử, tất cả các thiết bị đều bị dồn đống và chất ngổn ngang do phải thi công nâng tầng. Có mặt tại hiện trường, ập vào mắt chúng tôi là các thiết bị, các phòng thực hành bị bụi bám dày đặc và không được che chắn, bảo quản kỹ lưỡng.
Theo chúng tôi tìm hiểu, nhà trường có chủ trương nâng tầng Khoa Điện - Điện tử để chuyển toàn bộ Khoa Động lực về đây, dùng khu vực cũ của Khoa Động lực làm ký túc xá tạm cho sinh viên. Tuy nhiên, khi chưa có giấy phép xây dựng thì trường đã tháo dỡ phần mái che Khoa Điện - Điện tử, nên khi trời mưa, máy móc thiết bị ở tầng dưới bị ngấm nước. Kiểu “làm trước xin sau” này đã khiến cán bộ giảng viên không đồng tình. Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho biết: “Chúng tôi cho thi công trước vì biết giấy phép đã đặt trên bàn và nghĩ rằng Sở Xây dựng TPHCM sẽ ký. Tuy nhiên, sau đó có đơn thư khiếu nại và sở này không ký mà yêu cầu phải có chủ trương của thành phố. Đến tháng 8, chúng tôi mới có giấy phép xây dựng”.
Việc nâng tầng Khoa Điện - Điện tử thực hiện khi chưa có giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng TPHCM
Về mặt tài chính của trường cũng có nhiều khuất tất trong thu chi. Theo đơn tố cáo của ông Phạm Ngọc Long, Kế toán trưởng nhà trường: “Gói thầu nâng tầng Khoa Điện - Điện tử hơn 8,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng hiệu trưởng vẫn cho đấu thầu. Sau đó, ngày 7-6-2015 đã phá bỏ mái che và thi công”. Cũng theo ông Long, số thu học phí từ tháng 9-2014 đến ngày 13-8-2015 là hơn 21,5 tỷ đồng, nhưng học phí nộp Kho bạc Nhà nước trong khoảng thời gian này chỉ có 4,8 tỷ đồng (chỉ đạt 19,04%). Ngoài ra, trường còn chi ngoài sổ sách, không chứng từ lên đến 394 triệu đồng.
Trình bày về việc thu chi của Trung tâm Đào tạo Lý Tự Trọng cùng Trung tâm Ngoại ngữ tin học và đào tạo ngắn hạn của trường, ông Long cho biết: Từ tháng 3 đến tháng 7-2015, số tiền thu được là hơn 977 triệu đồng (thu từ hoạt động đào tạo thực hành cho bên ngoài và hoạt động đào tạo ngoại ngữ, tin học). Điều đáng nói là hiệu trưởng, giám đốc và phó giám đốc trung tâm được hưởng phần trăm từ thu nhập này rất cao.
Trao đổi về việc giảng viên phản ánh thu nhập của hiệu trưởng và giám đốc, phó giám đốc trung tâm cao hơn cả giảng viên có thâm niên 20, 30 năm, ông Lộc cho rằng: “Tôi làm việc trực cả ngày thứ bảy và chủ nhật nên đương nhiên tôi phải được hưởng chứ. Còn việc nộp tiền học phí cho Kho bạc Nhà nước như thế nào thì chứng từ còn ở đó”.
Bổ nhiệm không đúng quy định
Ngoài những sai phạm trên, điều gây nhiều bức xúc cho cán bộ giảng viên trong trường hiện nay là việc bổ nhiệm - bãi nhiệm không giống ai và không theo quy định Điều lệ trường cao đẳng. Cụ thể, ngày 24-10-2014, ông Đỗ Công Thành được ký hợp đồng lao động ngoài biên chế có thời hạn từ ngày 1-11-2014 đến ngày 31-10-2015. Tuy nhiên, ngày 8-1-2015, ông Thành được quyết định bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - tin học và đào tạo ngắn hạn. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm kể từ ngày ký quyết định.
Ngày 25-4-2015, ông Phạm Hữu Tấn (anh ruột của hiệu trưởng) được quyết định bổ nhiệm Tổ trưởng tổ bảo vệ. Trong khi đó, ngoài chức vụ này, ông Tấn lại là cán bộ Thanh tra pháp chế của trường. Theo chúng tôi được biết, ông Tấn không phải là biên chế của trường. Tiếp đó, ngày 7-5-2015, hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm ông Phạm Thành Danh (giảng viên) làm Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Ông này kiêm nhiệm luôn chức Phó phòng Quản trị - dịch vụ. Việc bổ nhiệm này hoàn toàn không đúng so với quy định hiện hành.
Đáng nói hơn, cán bộ giảng viên rất bức xúc khi chính hiệu trưởng lại ra quyết định tự bổ nhiệm cho mình. Ngày 7-5-2015, hiệu trưởng ra quyết định bổ nhiệm cho mình giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (thời hạn 5 năm). Ngày 11-6-2015, hiệu trưởng tiếp tục ra quyết định bổ nhiệm cho mình làm Trưởng ban Quản lý và điều hành trực tiếp bãi giữ ô tô ban đêm. Theo chúng tôi được biết, ban đêm có khoảng 40 - 50 xe ô tô gửi trong trường với mức phí 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Như vậy, ngoài chức vụ hiệu trưởng, ông Phạm Hữu Lộc kiêm luôn giám đốc trung tâm và… trưởng ban giữ xe.
Ngoài vấn đề trên, giảng viên trong trường cũng bức xúc tính hợp pháp về học vị tiến sĩ của hiệu trưởng sử dụng, vì chưa được Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Cục Khảo thí) thuộc Bộ GD-ĐT công nhận. Trao đổi về bằng tiến sĩ của mình, ông Phạm Hữu Lộc cho rằng: “Bằng của tôi đã được Cục Khảo thí công nhận và tôi đã báo cáo với Sở GD-ĐT. Tôi học bằng tiến sĩ tại TPHCM”. Khi chúng tôi yêu cầu cho xem quyết định xác nhận văn bằng của Cục Khảo thí thì ông Lộc cho biết “tôi không có để ở đây”. Còn ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí, cho biết: “Ông Lộc nộp đơn xác nhận văn bằng từ năm 2012. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có đủ cơ sở để công nhận bằng tiến sĩ và cũng đã có văn bản trả lời ông Lộc rồi”.
Trong khi đó, phúc đáp Công văn 52 của Cục Khảo thí về việc xác nhận văn bằng, Phòng Công tác Lưu học sinh Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga trả lời: “Các văn bằng, tiến sĩ khoa học do Ủy ban Thẩm định chuyên môn thuộc Hội đồng thi tuyển liên học viên cao cấp Liên bang Nga cấp có nằm trong hệ thống văn bằng, chứng chỉ được công nhận hợp pháp tại Liên bang Nga. Viện Hàn lâm quốc tế nghiên cứu hệ thống IASS - Chi nhánh tại TPHCM có đủ tư cách pháp nhân để tổ chức đào tạo và cấp bằng hay không phụ thuộc vào việc có được Chính phủ Việt Nam công nhận và cho phép hay không”. Trong khi đó, theo xác minh của của chúng tôi hiện nay Viện Hàn lâm quốc tế nghiên cứu hệ thống IASS - Chi nhánh tại TPHCM không có tên trong danh sách các chương trình đào tạo liên kết quốc tế được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo tại Việt Nam.
THANH HÙNG