Nhiều cán bộ giàu nhanh và cũng lụi tàn sự nghiệp từ đất đai

Đã và sẽ có nhiều điểm nóng liên quan đến chính sách thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó” với giá bèo để phân lô bán nền tại các đô thị và địa phương. "Vấn đề này lây lan như dịch Covid-19 và cũng chưa có thuốc đặc trị”, ĐB Đinh Duy Vượt thẳng thắn.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội, cuối ngày 15-6, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã đúc rút bài học từ việc phòng chống dịch Covid-19 và cho rằng, khi ý Đảng hợp lòng dân thì dân đều một lòng ủng hộ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Dẫn lại quan điểm người dân sẵn sàng hy sinh xương máu và tài sản để ủng hộ khi ý Đảng hợp lòng dân, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cán bộ phải biết tự vấn nếu người dân phản đối chính sách, quyết định của mình. Không được quy kết dân là thế lực thù địch để đối phó, đừng lấy bóng ma của thế lực thù địch để quy chụp cho dù là dân nghèo, doanh nghiệp hay đại biểu dân cử. Bài học rút ra là các cấp chính quyền cần lắng nghe dân, xử lý các kiến nghị, vướng mắc của dân, thì dân sẽ tin tưởng chính quyền mà không có bất cứ một thế lực nào có thể lợi dụng để chia rẽ được.

Nhiều cán bộ giàu nhanh và cũng lụi tàn sự nghiệp từ đất đai ảnh 1 ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, mở cửa lại để khôi phục kinh tế là điều hệ trọng. Giai đoạn tới đây, Chính phủ cần hết sức thận trọng để có những bước đi kịp thời và phù hợp.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đồng ý với những giải pháp, gợi ý mà Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra, đó là cần theo sát tình hình của từng quốc gia, của từng thị trường, từng tập đoàn lớn trên thế giới để có lộ trình mở cửa phù hợp, tận dụng được cơ hội sau đại dịch, đưa đất nước tiến lên.

Một ý kiến đáng chú ý của ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) khi đề cập đến vấn đề đất đai.

Theo ĐB Đinh Duy Vượt, vấn đề đất đai đang rất phức tạp, tiềm ẩn những bất ổn toàn diện, đòi hỏi cần có chủ trương, quyết sách, thậm chí cần có cuộc cách mạng về đất đai, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc.

“Thực tế xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú từ đất; có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất. Song cũng có không ít người lụi tàn là các đồng chí đã bị lộ, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân, dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người gay gắt”, ĐB Đinh Duy Vượt nói.

Đã và sẽ có nhiều điểm nóng liên quan đến chính sách thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó” với giá bèo để phân lô bán nền tại các đô thị và địa phương. "Vấn đề này lây lan như dịch Covid-19 và cũng chưa có thuốc đặc trị”, ĐB Đinh Duy Vượt thẳng thắn.

ĐB Đinh Duy Vượt cũng cho rằng, không loại trừ đứng sau các dự án có thể là người nước ngoài, nhất là với các vị trí nhạy cảm về quốc phòng - an ninh. Hay nhiều dự án có chung thủ đoạn là ủy quyền lòng vòng với mục đích lừa đảo. Do đó, rất cần sự chỉ đạo của các cơ quan, kịp thời xử lý các kẽ hở pháp luật này.
Nhiều cán bộ giàu nhanh và cũng lụi tàn sự nghiệp từ đất đai ảnh 2 ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phát biểu tại hội trường, 15-6-2020. Ảnh: QUOCHOI
ĐB Đinh Duy Vượt cũng chỉ ra, các tỉnh miền núi, đất đai là nguồn lực duy nhất nhưng đất đai lại bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả. Một số doanh nghiệp nông lâm trường để hàng ngàn hécta cây trồng lay lắt, hàng ngàn hécta đất hoang hóa, lợi dụng chính sách ưu đãi nên hàng năm không nộp đồng nào cho Nhà nước. Trong khi nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, có tâm tiếp cận rất khó, không có đất sạch, đồng thời còn nhiều đồng bào sở tại không có đất. Chính điều đó gây bức xúc, tiềm ẩn âm ỉ những đốm lửa tại nhiều địa phương cả hiện tại và tương lai. ĐB Đinh Duy Vượt đề nghị không hỗ trợ và giao đất không thu tiền sử dụng đất với những hộ còn sức lao động, coi đây là chính sách đặc thù.

Trong khi đó, đề cập đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần “Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo”.

Cộng đồng doanh nghiệp được xem là động lực để phát triển đất nước và nhiều địa phương. ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực có nhiều giải pháp, tổ chức cả “hội nghị Diên Hồng” để lắng nghe doanh nghiệp và có nhiều quyết sách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp.

“Đó là câu chuyện liên quan đến các loại virus như "virus tham nhũng", "virus trì trệ", "virus vô cảm" như các đại biểu đã phản ánh.  Sức công phá của các loại virus này không kém gì virus Corona”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Với tinh thần chống dịch Covid-19 như vừa qua, ĐB mong Thủ tướng quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại virus nói trên. Đó là tư tưởng chống dịch như chống giặc, việc xác định các nhóm nguy cơ cao trong nhiễm các loại virus và đặc biệt quyết tâm khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn từ xa và dập dịch triệt để để từng bước tạo môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục