Các bệnh viện tại TPHCM sẽ có cơ sở hạ tầng mới, khang trang hơn, hiện đại hơn để có thể triển khai những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ngang tầm các nước trong khu vực.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết giai đoạn 2015-2020, nhiều công trình y tế được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động là thành quả lớn của TPHCM trong việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Ngoài Bệnh viện Truyền máu Huyết học và Trung tâm Xét nghiệm, ngành y tế TPHCM còn có kế hoạch khởi công và đưa các công trình y tế nào vào hoạt động trong năm nay?
Một công trình quan trọng khác là Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường, sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động trong tháng 9. Hiện nay công tác xây dựng đã hoàn tất. Bên cạnh đó, ngành y tế TPHCM cũng sẽ khởi công xây dựng một số công trình nhằm chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, như: khởi công xây dựng cơ sở Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ở Cụm y tế Tân Kiên; động thổ 2 dự án bệnh viện cửa ngõ của thành phố là Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn; cải tạo, nâng cấp một số bệnh viện quận huyện. Mới đây, chúng tôi cũng vừa động thổ xây dựng Trung tâm Pháp y. Đây là công trình y tế cấp I, nhóm B, chủ đầu tư là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, với tổng mức đầu tư của dự án 495 tỷ đồng. Có thể nói, công trình y tế nhiệm kỳ 2015-2020 có thành quả lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng và đặc biệt, chúng ta đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực cho tất cả các cơ sở y tế.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế của TPHCM trong 5 năm qua hiện đã đạt và vượt các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế và UBND TP, với số bác sĩ trên 10.000 dân tăng từ 16,07 bác sĩ năm 2016 lên 20 bác sĩ năm 2020; tương ứng, số điều dưỡng tăng từ 33,34 người lên 35 người trên 10.000 dân. Điều đáng mừng là tuần vừa rồi, 25 bác sĩ Khoa Y Việt Đức - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đã được cấp bằng hành nghề ở Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là nguồn nhân lực được kỳ vọng trở thành một lớp thế hệ bác sĩ kế cận có kiến thức chuyên môn tốt đủ sức thay thế cho lớp đàn anh, đàn chị đi trước. Bên cạnh đó, hàng năm sẽ có khoảng 20 - 25 bác sĩ được đào tạo sau đại học và thời gian tới, thành phố chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.