Nhiều doanh nghiệp cam kết không tăng giá hàng hóa

Theo Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, nhiều doanh nghiệp thành viên đang triển khai nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn với người dân, chung tay chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung cam kết không tăng giá hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, bất chấp giá nguyên liệu sản xuất nhập khẩu đã gia tăng trong nhiều tháng qua.
Hàng hóa thiết yếu giảm giá nhằm hỗ trợ cho người tiêu dùng thời điểm dịch
Hàng hóa thiết yếu giảm giá nhằm hỗ trợ cho người tiêu dùng thời điểm dịch

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm, cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch bùng phát tại nhiều quốc gia đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất toàn cầu. Điều này đã ít nhiều tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Để duy trì ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã phải xoay chuyển nhập khẩu từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu tại những thị trường này khá dồi dào nhưng giá nguyên liệu đầu vào cũng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chủ động giữ bình ổn giá cả hàng hóa so với trước đó, thậm chí còn phối hợp với hệ thống phân phối, bán lẻ giảm giá hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp đã trích nguồn hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng, kèm theo hàng ngàn phần quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu và khẩu trang để hỗ trợ các đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch.

Ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart vào những ngày cuối tuần, lượng người tiêu dùng đến mua hàng khá đông. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhiên, ngụ đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, chia sẻ, do tính chất công việc nên gia đình chị chỉ đi siêu thị Co.opmart Focosa Nguyễn Kiệm vào ngày cuối tuần để mua thức ăn cho cả tuần. Trong thời gian gần đây, mua sản phẩm thiết yếu tại siêu thị có giá thấp hơn so với các chợ truyền thống. Đơn cử, nếu mua sản phẩm dầu ăn (loại 5 lít), sữa tắm, dầu gội, thịt heo… có giá thấp hơn ở ngoài từ 10.000 - 50.000 đồng. Đặc biệt, mua hóa đơn trên 300.000 đồng còn được mua hàng với giá ưu đãi rất thấp so với giá thực tế. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, từ 20-8, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra sẽ đồng loạt giảm giá trong 21 ngày liên tục để tiếp tục chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng cả nước với chiến dịch mang tên “Tự hào Việt Nam - Chung tay chống Covid-19”. Theo đó, tập trung giảm giá trực tiếp cho các sản phẩm nhu yếu như các loại sữa, rau củ quả, thịt cá, các loại xà bông, dầu gội đầu và dụng cụ nhà bếp.

Trước đó, các doanh nghiệp đã phối hợp với nhiều hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op, Lotte, Aeonmall… giảm giá hàng loạt sản phẩm thiết yếu nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong đợt bùng phát dịch này. Trong đó có nhiều mặt hàng giảm giá mạnh hơn 50%. Đơn cử, từ nay đến hết tháng 8-2020, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước sẽ đồng loạt áp dụng giảm giá các nhu yếu phẩm thiết yếu. Tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như thịt, cá, dầu ăn, mì gói và các loại gia vị, nhóm dụng cụ nhà bếp, rau củ quả các loại và hóa mỹ phẩm… 

Không dừng lại đó, nhằm chia sẻ khó khăn của người dân, nhất là với đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất do dịch Covid-19 là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã trích một phần doanh thu để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các em. Cụ thể, Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” năm 2020 với sự đồng hành của Vinamilk đã thực hiện hành trình trao 1,7 triệu ly sữa đến với gần 19.000 trẻ em khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt trên 27 tỉnh thành cả nước. Mục tiêu chương trình nhằm góp phần giúp các em nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng để đẩy lùi dịch. Chương trình cũng muốn truyền đi thông điệp “Vì sức khỏe và sự an toàn của trẻ em - Chung tay đẩy lùi Covid-19” đến rộng rãi cộng đồng để ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Vinamilk đã dành ra ngân sách đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 lên đến gần 40 tỷ đồng.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6-2020, dịch Covid-19 đã khiến cho 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch. “Do vậy, trong bối cảnh thu nhập người dân giảm mạnh vì dịch thì những chính sách giảm giá mạnh từ doanh nghiệp sản xuất, hệ thống bán lẻ là một sự chia sẻ có ý nghĩa và nhân văn nhất”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục