
Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu chung của cả nước vẫn đang có nhiều thuận lợi nhờ giá xuất khẩu nhiều mặt hàng khá cao. Tuy nhiên, một số ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… đang gặp khó khăn do khả năng cạnh tranh thấp, bị cản trở bởi các phán quyết áp đặt hạn chế chống phá giá, giá nguyên phụ liệu tăng mạnh nhưng giá bán không tăng kịp…

Sản xuất da giày...
Đặc biệt, ngành điều đang lao đao và xuất khẩu chựng lại vì các doanh nghiệp không cam kết thực hiện đúng hợp đồng. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề đã tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại tìm kiếm các thị trường mới. Hiệp hội Da Giày Việt Nam đang nỗ lực tổ chức đưa hàng vào các thị trường Nhật Bản và châu Phi để tăng kim ngạch xuất khẩu và đạt kế hoạch đã đề ra trong năm nay khoảng 3,4 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang tăng tốc xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Canada… Đặc biệt thị trường Hoa Kỳ đang được tập trung khai thác và liên Bộ Thương mại - Công nghiệp cũng đã có những chính sách thay đổi trong quản lý hạn ngạch xuất khẩu hàng hóa may mặc vào thị trường này để khai thác hiệu quả nhất.
Theo đó, đến cuối tháng 6, liên Bộ Thương mại và Công nghiệp sẽ tiến hành giao nốt hạn ngạch còn lại cho các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu.
Riêng đối với hai mặt hàng (Cat.) 347/348 và 647/648, Bộ Thương mại ra thông báo: từ ngày 1-7 đến ngày 31-8-2005 sẽ thực hiện cấp visa tự động đối với 2 cat. trên cho các đối tượng là doanh nghiệp đã sử dụng hết hạn ngạch được giao (đã xuất khẩu hết hoặc đã chuyển nhượng); chưa được giao hạn ngạch 2 chủng loại mặt hàng này nhưng có năng lực sản xuất; chưa sử dụng hết hạn ngạch được giao nhưng hạn ngạch còn lại không đủ để xuất khẩu sẽ được cấp visa bổ sung cho đủ lô hàng. Việc cấp visa tự động phải đảm bảo điều kiện giao hàng từ 1-7 đến 31-8-2005.
MINH HOA