Ngày 5-1, tại Nhà Quốc hội, Đoàn công tác số 3 của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2016” đã có cuộc làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Báo cáo của Bộ này đã chỉ ra nhiều hạn chế trong cơ chế tiền lương ở DNNN.
Tại buổi làm việc, trình bày báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Quân cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2016, với chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ đã chủ trì ban hành và trình cấp thẩm quyền ban hành 55 văn bản các loại (1 bộ luật, 27 nghị định và 27 thông tư). Trong đó, có nhiều văn bản quy định chính sách về lao động, tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp, cũng như đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại, cổ phần hóa doanh nghiệp. Các quy định của nghị định, thông tư đã tạo chủ động cho doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động, trả lương gắn với năng suất, lợi nhuận, không còn tình trạng xây dựng định mức lao động lỏng để hưởng mức lương cao. Tiền lương của người quản lý doanh nghiệp đã gắn chặt hơn với quy mô và lợi nhuận, có khống chế mức tối đa, giảm khoảng cách về tiền lương, thu nhập giữa các doanh nghiệp, hay giữa người quản lý với người lao động. Chế độ, chính sách đối với người lao động khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp được kế thừa quy định tại Nghị định số 91/2010 của Chính phủ, đồng thời có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và xu thế phát triển.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH, tiền lương của viên chức quản lý ở doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao còn thấp khi so với mặt bằng lương chung trên thị trường, trong khi một số doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả thấp ở địa phương lại hưởng mức lương quá cao so với mặt bằng tiền lương ở địa phương. Chế độ báo cáo tình hình giải quyết chính sách lao động dôi dư của doanh nghiệp chưa được chấp hành nghiêm, không đầy đủ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổng hợp, nắm bắt tình hình thực tế.
Đối với triển khai chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB và XH đang giữ vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với hai công ty cổ phần, đồng thời, quản lý một doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% số vốn điều lệ. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động đã có hiệu quả hơn, phát triển được vốn nhà nước theo như kế hoạch đặt ra.