Thời gian gần đây dư luận đang xôn xao về việc nảy mầm của những hạt thóc cổ được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) thuộc nền văn hóa Đồng Đậu, có niên đại cách đây 3.000 - 3.500 năm. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhiều khả năng những hạt thóc nảy mầm không phải từ thóc cổ.
Theo thông tin ban đầu, một nhóm các nhà khảo cổ học trong quá trình khai quật di chỉ Thành Dền đã phát hiện những hạt thóc và gạo bị cháy sém. Điều khiến các nhà khoa học khảo cổ ngạc nhiên là khi đem ngâm những hạt thóc này trong nước khoảng 2 ngày sau có những hạt thóc đã nảy mầm, đâm lá. Đây chính là lý do khiến dư luận xôn xao về việc những hạt thóc cổ sau 3.000 năm ngủ yên đã nảy mầm, đâm lá.
Trước thông tin gây sửng sốt giới khảo cổ, nhiều nhà khoa học cũng đã đặt nghi vấn về niên đại thực sự của những hạt thóc cổ, vì theo các chuyên gia trong lĩnh vực này đây là chuyện xưa nay chưa từng có. Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, người đang trực tiếp nghiên cứu 10 hạt thóc do các nhà khảo cổ gửi đến từ ngày 12-5-2010 đã nảy mầm cũng nói rằng, về lý thuyết và thực tiễn, khó có hạt thóc nào sau 3.000 năm có thể nảy mầm.
Tiến sĩ Hàm cho biết thêm: hiện nay đã có một số cây lúa bắt đầu trổ bông và theo quan sát của các chuyên gia Viện Di truyền Nông nghiệp, có tới 80% khả năng những cây lúa này có nguồn gốc cùng với các loại lúa đang được trồng đại trà hiện nay. Tuy nhiên, để chắc chắn khẳng định phải chờ khoảng hơn 1 tháng nữa khi bông lúa to hơn, các nhà khoa học mới đưa ra kết luận cuối cùng về niên đại của những hạt thóc này.
TTXVN