Đáng chú ý là việc tuyển sinh chuyên ngành mới liên quan đến quản lý đô thị thông minh và bền vững. Trường dự kiến tuyển sinh thêm một số chuyên ngành mới như: robot và hệ thống điều khiển thông minh, quản lý đô thị thông minh và bền vững, kỹ thuật hóa phân tích. Trường dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức như năm 2020: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (dự kiến 10% tổng chỉ tiêu); sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12 (các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng), ngưỡng nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu bằng 20 điểm; xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, dự kiến dành 50% cho phương thức này; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2021, dự kiến dành 10% tổng chỉ tiêu.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM dự kiến mở các ngành mới gồm: bất động sản, tài chính quốc tế, báo chí, tâm lý học, thiết kế đồ họa. Cũng theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021, trường thực hiện xét tuyển đồng thời 4 phương thức tuyển sinh, với 3.495 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo. Năm 2021, Trường ĐH Công nghệ TPHCM sẽ xét tuyển 65% chỉ tiêu từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, trường xét tuyển 6.600 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy cho 50 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT trên cả nước đều có thể xét tuyển vào trường theo 4 phương thức này. Riêng với nhóm ngành sức khỏe, điều kiện xét tuyển áp dụng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM có 4 phương thức xét tuyển như năm 2020. Trường dự kiến xét khoảng 3.500 chỉ tiêu. Trường ĐH Việt Đức dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển cho năm 2021, trong đó có phương thức tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh viên đầu vào.