Nhiều văn bản quy phạm pháp luật... trái luật

Luật Đấu thầu: Nên cấm nêu nhãn hiệu cụ thể
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật... trái luật

Hôm qua (22-11), Quốc hội đã nghe các báo cáo và thẩm tra về tình hình soạn thảo, ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến tháng 4-2005, tình hình ban hành VBQPPL của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao còn rất nhiều bất cập.

  • VBQPPL ban hành vừa chậm vừa... sai
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật... trái luật ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: M.Đ.

Đặc điểm nổi bật nhất là tình trạng “tồn đọng” văn bản hướng dẫn thi hành do ban hành chậm. Trong khoảng thời gian 4 năm, Quốc hội và UBTVQH đã thông qua được 57 luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có 49 văn bản do Chính phủ trình. Theo đó, để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản trên, Chính phủ cần phải ban hành 196 VBQPPL. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới ban hành được 120 văn bản, đạt 61%. Còn lại 76 văn bản, chiếm gần 39%, vẫn chưa được ban hành.

Ngay cả việc ban hành các VBQPPL hướng dẫn thi hành các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X cũng bị chậm. Chẳng hạn, sau khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được thông qua, các cơ quan tư pháp ở trung ương đã xác định có 24 VBQPPL cần phải ban hành. Nhưng đến nay, sau 4 - 5 năm, mới ban hành được 14 văn bản. Còn 10 văn bản chưa được Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC ban hành.

Bên cạnh đó, theo thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu, chất lượng của nhiều văn bản hướng dẫn thi hành cũng rất “vô lý”: vẫn còn tình trạng chưa có sự thống nhất giữa nội dung văn bản hướng dẫn với chính luật, pháp lệnh được hướng dẫn. Chẳng hạn, trong khi khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh Dân quân tự vệ (2004) quy định “xã đội phó là cán bộ chuyên môn” thì Nghị định 184/2004/NĐ-CP ngày 2-11-2004 lại quy định “xã đội phó là cán bộ chuyên trách”.

Tương tự, để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Người cao tuổi (năm 2000), Nghị định 30/2002/NĐ-CP ngày 26-3-2002 quy định tại khoản 4 Điều 6: “Người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên, nếu không có lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội khác, được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngân sách địa phương”. Nhưng Thông tư 16/TT-BLĐTBXH ngày 9-12-2002 lại hướng dẫn nghị định trên lại bổ sung thêm điều kiện “không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống”, thu hẹp đối tượng được thụ hưởng chính sách so với quy định của nghị định và pháp lệnh.

Không chỉ “vênh nhau” về nội dung văn bản hướng dẫn thi hành với VBQPPL của Quốc hội và UBTVQH mà còn có sự không phù hợp giữa hình thức văn bản với nội dung văn bản. Chẳng hạn, có những vấn đề phải ban hành bằng “nghị quyết” của Chính phủ nhưng trên thực tế lại quy định dưới hình thức “quyết định” của Thủ tướng Chính phủ. Tương tự, một số bộ, ngành đã dùng hình thức công văn để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển, những việc trên là trái với quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

  • Nguyên nhân do luật chưa cụ thể

Thẩm tra các báo cáo việc ban hành VBQPPL của Chính phủ, các bộ và các cơ quan ngang bộ, VKSNDTC, TANDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển nhận định việc chậm ban hành, ban hành sai nội dung văn bản hướng dẫn thi hành thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan thuộc Chính phủ đã làm ảnh hưởng rõ đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đồng thời, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã nêu ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn trên. Nguyên nhân quan trọng là một số luật, pháp lệnh mà Quốc hội, UBTVQH thông qua đã có nhiều quy định mang tính nguyên tắc, “luật khung”, chưa cụ thể. Nhiều nội dung cần chi tiết lại được giao cho Chính phủ, bộ, ngành quy định. Bởi vậy, dẫn đến tình trạng số lượng VBQPPL mà Chính phủ phải ban hành để hướng dẫn chi tiết quá lớn. Có những luật, pháp lệnh như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Thi hành án dân sự (sửa đổi) cần tới 10-12 văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, còn những nguyên nhân như nhiều bộ, ngành được giao chủ trì, tham gia xây dựng văn bản chỉ chú trọng bảo vệ lợi ích của bộ, ngành mình. Chất lượng và lực lượng cán bộ làm công tác xây dựng VBQPPL ở các bộ, ngành còn non yếu, thiếu trách nhiệm. Đồng thời, Bộ trưởng Uông Chu Lưu cũng thừa nhận Bộ Tư pháp vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ, chưa nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định dự thảo văn bản đã được Nhà nước giao trong 10 năm qua.

Trước thực trạng đang diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển đã nêu ra 6 giải pháp để nâng cao chất lượng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các VBQPPL của Quốc hội và UBTVQH. Trong đó, ông đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, TANDTC, Viện KSNDTC phải đẩy mạnh tiến độ soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã được thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X.

Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp phải nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác thẩm định, thẩm tra, trong đó vai trò “hậu kiểm” VBQPPL sẽ được đặc biệt coi trọng. Mặt khác, trong quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh cần có cơ chế huy động nhiều chuyên gia, nhà khoa học; đưa ra những quy định cụ thể ngay trong dự thảo để khi thông qua có thể áp dụng được ngay, hạn chế tối đa văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật.

VĂN – BẢO –MY

Luật Đấu thầu: Nên cấm nêu nhãn hiệu cụ thể

Trong lần thảo luận thứ 2 về dự án Luật Đấu thầu sáng qua, vấn đề được một số đại biểu quan tâm vẫn là những quy định về yêu cầu nên cấm nêu nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu. Theo các đại biểu nếu luật vẫn có quy định cấm như vậy thì cần cấm nêu yêu cầu nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa cụ thể chứ không phải cấm chung. Nghĩa là không được nêu cụ thể hãng A, hãng B của nước A, nước B chứ không phải là cấm về nhãn hiệu xuất xứ. Minh chứng cho điều này, đại biểu Phạm Quang Dự (Bà Rịa- Vũng Tàu) nêu ví dụ, trong việc mua các thiết bị cơ bản của nhà máy lọc dầu vừa qua, nếu không nêu xuất xứ của khối nước sẽ không bảo đảm chất lượng vận hành nhà máy sau này. Chính vì vậy, không nên cấm nói xuất xứ chung mà cấm được, chỉ chống cái cụ thể thôi.

Tin cùng chuyên mục