Nhiều vùng ở Mỹ, Canada trải qua đợt nắng nóng kỷ lục

Mức nhiệt cao kỷ lục trước đây ở Canada được ghi nhận vào ngày 5-7-1937, lên tới 45 độ C tại hai thị trấn ở vùng Saskatchewan. Các cơ quan dự báo thời tiết cảnh báo kỷ lục này sẽ bị phá trong vài ngày tới, với dự báo nhiệt độ sẽ lên tới 45 độ C tại các vùng nóng cao điểm gồm Lytton và British Columbia.
Một hồ nước gần Las Vegas, bang Nevada, Mỹ gần khô cạn do nắng nóng kéo dài, ngày 10-6-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Một hồ nước gần Las Vegas, bang Nevada, Mỹ gần khô cạn do nắng nóng kéo dài, ngày 10-6-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 27-6, một đợt nóng cao điểm tại miền Tây Canada và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ làm nền nhiệt tại các khu vực này tăng vọt, khiến nhà chức trách phải đưa ra cảnh báo về mức nhiệt từ Oregon (Mỹ) đến các vùng lãnh thổ của Canada ở Bắc Cực.

Bộ Môi trường Canada đã báo động về mức nhiệt ở các tỉnh British Columbia, Alberta, và một số khu vực của Saskatchewan, Yukon cũng như các vùng lãnh thổ phía Tây Bắc, nêu rõ: “Đợt nóng lịch sử và nguy hiểm này sẽ kéo dài trong tuần. Nhiệt độ buổi trưa sẽ đạt mức đỉnh gần 40 độ C tại một số vùng vào giữa tuần, tức là nóng hơn từ 10 - 15 độ C so với thông thường”. Mức nhiệt cao hơn 40 độ C đã được ghi nhận vào cuối tuần tại British Columbia, kể cả ở thị trấn nghỉ dưỡng trượt tuyết Whistler.

Cơ quan thời tiết Mỹ cũng đưa ra cảnh báo “một đợt nóng nguy hiểm” tại một số vùng ở các bang Washington và Oregon. Theo dự báo, đợt nóng sẽ kéo dài trong tuần, nhiệt độ có thể lên tới mức cao nhất từ trước đến nay. Ngày 28-6 được dự báo là ngày nóng nhất tại các thành phố lớn như Seattle và Portland với mức nhiệt cao nhất trong lịch sử tại cả hai thành phố này.

Mức nhiệt cao kỷ lục trước đây ở Canada được ghi nhận vào ngày 5-7-1937, lên tới 45 độ C tại hai thị trấn ở vùng Saskatchewan. Các cơ quan dự báo thời tiết cảnh báo kỷ lục này sẽ bị phá trong vài ngày tới, với dự báo nhiệt độ sẽ lên tới 45 độ C tại các vùng nóng cao điểm gồm Lytton và British Columbia.

Thời tiết nắng nóng làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng và làm giảm mực nước tại các sông, hồ. Các cửa hàng thông báo các mặt hàng điều hòa và quạt "cháy hàng". Công ty điện lực British Columbia thông báo nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh do nhu cầu sử dụng máy làm mát tăng lên trong những ngày nóng cao điểm.

Trong khi đó, hạt Multnomah thuộc Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon của Mỹ, đã mở 11 địa điểm "trú mát" khẩn cấp, hầu hết đặt ở các khu vực công cộng như thư viện, nơi cư dân không có điều hòa nhiệt độ có thể đến để tránh nóng… Thống đốc bang, Kate Brown đã phải nới lỏng các biện pháp hạn chế tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với một số địa điểm như nhà hát, hồ bơi và trung tâm mua sắm, trước tình hình nhiệt độ tăng vọt.

Tin cùng chuyên mục