Nhiều ý kiến về tuyển sinh lớp 10 : Ngành GD - ĐT nên mở rộng “cửa”

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định: Nên quan tâm đến diện xóa đói giảm nghèo.
Nhiều ý kiến về tuyển sinh lớp 10 : Ngành GD - ĐT nên mở rộng “cửa”

Hôm qua 31-7, ngày cuối cùng thu nhận hồ sơ vào lớp 10. Trong lúc chờ Sở GD – ĐT TPHCM có một động thái mới, nhiều PHHS đã điện thoại, gửi email đến Báo SGGP nóng lòng mong ngành GD – ĐT cho tuyển thêm. Chúng tôi xin được trích đăng những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý giáo dục đề nghị phương án mở sau bài báo “Tuyển sinh lớp 10 - Còn chỉ tiêu, vẫn không “rộng cửa”?”.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định: Nên quan tâm đến diện xóa đói giảm nghèo.

Nhiều ý kiến về tuyển sinh lớp 10 : Ngành GD - ĐT nên mở rộng “cửa” ảnh 1
Phụ huynh học sinh nêu các thắc mắc về chọn khối học với Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 trước khi nộp hồ sơ nhập học lớp 10 năm học 2008-2009. Ảnh: MAI HẢI

Sau khi hết hạn nộp hồ sơ lớp 10, Trường THPT Gia Định còn thiếu 20 HS. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, có thể là các em có kế hoạch du học nên không nộp hồ sơ vào trường. Một số PHHS cũng đến trường trình bày hoàn cảnh và mong được cứu vớt, trong đó có những trường hợp rất tội.

Điểm các em không thấp, có thể vào được trường tốt nhưng do chọn sai nguyện vọng (NV) nên cuối cùng không trúng tuyển trường nào. Tôi nhớ mãi trường hợp một PHHS đến gặp tôi khóc: “Cô ơi, làm sao bây giờ? Con tôi rớt hết 3 NV. Tôi đâu đủ tiền cho con học trường tư”.

Chị kể hoàn cảnh bán nước mía, vẫn ráng cho con ăn học đàng hoàng, cho dù những năm tháng lao động nhọc nhằn làm chị bị đứt hai ngón tay. Tôi có hướng dẫn chị nên đăng ký cho con theo học ở trường nghề, TT GDTX nhưng chị có vẻ chần chừ vì sức học của con cũng thuộc loại khá giỏi, chỉ thiếu 1, 2 điểm vào trường Gia Định.

Tôi cũng điện thoại cho ban giám đốc sở hỏi phương án giải quyết như thế nào với những trường hợp rớt 3 NV nhưng quy định của Sở GD-ĐT đến giờ phút này vẫn không cho xét tuyển thêm. Tôi hiểu, đứng ở góc độ quản lý, nếu Sở GD – ĐT “mở” thêm một chút sẽ rối, thậm chí có những kẽ hở phát sinh. Tuy nhiên, tôi mong Sở GD – ĐT quan tâm đến những đối tượng HS xóa đói giảm nghèo rớt hết 3 NV, vì nếu “buông” các em ra, nguy cơ các em bỏ học rất cao.

Một hiệu trưởng trường THPT ở quận 5: Tuyển thêm vẫn không vượt sĩ số 45 HS/lớp

Nếu các trường chưa tuyển đủ HS, Sở GD – ĐT nên cho các trường tuyển thêm, chỉ tăng một vài em là cùng, không thể nào vượt sĩ số 45 HS/lớp (vì chỉ tiêu đưa ra đã tính 45 HS/lớp). Tôi rất ngạc nhiên không hiểu nguyên nhân vì sao Sở GD – ĐT không mở rộng vòng tay cho HS?

Các trường không được chủ động tuyển sinh thì chẳng khác chỉ thu nhận hồ sơ giúp Sở GD – ĐT. Sau ngày 31-7, ngành GD – ĐT vẫn không thay đổi quan điểm và PHHS vẫn không muốn cho con vào trường DL, TT, trường nghề, trung tâm GDTX thì chỉ còn biết chờ năm sau thi lại.

Ông Nguyễn Sĩ Hào, Trường CĐ Kinh tế TPHCM: Không nên tổ chức thi tuyển đại trà

Đúng là PHHS phải cùng ngành GD – ĐT quan tâm đến việc học của con. Song thực tế, nhiều PHHS không đủ điều kiện và trình độ giúp con chọn đúng các NV, nhất là khi điểm số các trường mỗi năm một thay đổi, có trường điểm chuẩn tăng vọt thì thật tội cho HS chẳng may rớt hết NV.

PHHS nghèo cũng có lý khi không muốn cho con vào học TT GDTX vì hệ thống này chưa được đầu tư và chỉ phù hợp cho người lớn tuổi. Để tránh tình trạng PHHS nháo nhào “chạy trường” cho con sau mùa tuyển sinh vào lớp 10, ngành GD – ĐT không nên tổ chức thi tuyển đại trà, ngoại trừ trường, lớp chuyên.

HS tốt nghiệp lớp 9, tùy theo học lực sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường. Tôi mong TP sẽ có thêm nhiều trường mới để thực hiện được phương án này.

Bà Hồ Thị Tuyết Tơ – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3: HS lớp tiếng Nhật ở Hà Nội được ưu tiên, còn TPHCM lại không

Lớp dạy tăng cường tiếng Nhật (TCTN) do Chính phủ Nhật Bản và Sở GD-ĐT TPHCM ký kết hợp tác được đầu tư rất lớn, chu đáo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo án sinh động nên các em học tiếng Nhật rất say mê.

Muốn học tốt hơn, nhiều em còn học thêm ở trung tâm ngoại ngữ. Nhưng, với kết quả thi lớp 10, nhiều HS có điểm thi khá cao (36 - 37 điểm) nhưng không đủ đậu vào Trường THPT Lê Quý Đôn, dang dở việc học TCTN là điều đáng tiếc và lãng phí lớn.

Riêng 16 HS lớp TCTN trúng tuyển vào THPT Lê Quý Đôn lại không được tập trung vào một lớp như ở cấp 2. Tôi nghĩ, không nhất thiết phải tổ chức TCTN ở trường Lê Quý Đôn mà sở có thể linh động mở ở những trường khác tương đồng điểm chuẩn, tạo điều kiện cho các em học tiếp tiếng Nhật.

Ở Hà Nội, với các môn ngoại ngữ thí điểm, HS vẫn được ưu tiên, trong khi HS học chương trình tiếng Nhật tại TPHCM không hề được ưu tiên là bất công.

“Trước thềm năm học mới 2008 - 2009, không để một học sinh nào phải bỏ học vì gia đình và bản thân các em gặp khó khăn. Riêng đối với 11.000 HS của TP không vào được lớp 10 công lập, Sở GD-ĐT, UBND 24 quận, huyện phải kiểm tra theo dõi thật sát, tạo điều kiện cho số HS này đến trường, không để các em bỏ học” - Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2008.

D.DOANH – T.HÀ

Tin cùng chuyên mục