Nhịp cầu thành phố

Khi thành phố không ngừng chuyển mình mỗi ngày, những cây cầu không chỉ bắc nhịp thông thương mà còn là chứng nhân lịch sử, trải nắng - gió - sương, phủ màu thời gian. Cầu Mống - một trong những cây cầu cổ xưa nhất ở TPHCM đã bước qua tuổi 100. 
Cầu Bình Lợi mới khang trang, to đẹp
Cầu Bình Lợi mới khang trang, to đẹp

Xưa nó là nhịp nối giữa quận 4 và quận 1 sầm uất. Nay, nó trở thành di tích lịch sử văn hóa, là chứng nhân của lịch sử chứng kiến biết bao đổi thay của mảnh đất này. Đứng giữa cây cầu cổ kính, bình yên ngắm nhìn kênh Bến Nghé lấp lánh ánh bạc, soi bóng những ngôi nhà cao tầng, cao ốc hai bên bờ mới thấy bức tranh tuy đối lập nhưng vẫn đầy thơ mộng.  

Nhưng TPHCM không chỉ có một cây cầu trăm tuổi như Cầu Mống. Không được mệnh danh là thành phố của những cây cầu như Đà Nẵng, tuy nhiên, khi lần đầu đặt chân đến TPHCM, dù di chuyển theo hướng nào của thành phố đều phải đi qua vài cây cầu.

Là đô thị sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, không ngạc nhiên khi những cây cầu có mặt ở khắp mọi nơi tại TPHCM. Mỗi năm lại có thêm những dự án, cây cầu hiện đại, kiên cố được khởi công, đưa vào hoạt động đảm bảo cho thông thương thông suốt. Bức tranh thành phố vì thế lại thêm nhộn nhịp, tấp nập. 

Cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn nhất nhì thành phố bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 (nay là một phần của TP Thủ Đức) và quận 7, thấp thoáng bên dưới là những hàng dừa xanh mướt, tàu thuyền tấp nập qua lại. Cũng nối đôi bờ sông Sài Gòn từ Thủ Thiêm qua Bình Thạnh có cầu Thủ Thiêm, xe cộ lưu thông không ngớt. Tháng 4 vừa qua, cầu Thủ Thiêm 2 khánh thành nối liền quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.  

Bắc qua kênh Bến Nghé, ngay cửa ngõ sông Sài Gòn, kế bên Bến Nhà Rồng là cầu Khánh Hội, cũng có lịch sử hơn 100 tuổi. Như dáng hình, cầu chữ Y nằm ở phía Tây Nam thành phố, nối liền quận 5 với quận 8, đã đi vào lịch sử cách mạng. Hay mới hơn, cầu Ánh Sao gắn liền với TPHCM nhộn nhịp, hiện đại giữa lòng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7.

Ấy là còn chưa kể đến các cây cầu cũng nổi tiếng không kém: cầu Ông Lớn, cầu Giồng Ông Tố, cầu Sài Gòn, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Công Lý, cầu Kiệu, cầu Bông… Sau này, khi nhịp sống đô thị đông đúc hơn, hàng loạt cây cầu sắt cũng mọc lên khắp thành phố.  

Nhưng, dù hiện đại đến mấy, những cây cầu của ký ức vẫn không thể thay thế bởi nó đã gắn liền với mảnh đất này, chứng kiến biết bao dâu bể thời gian. Nhiều cây cầu có tuổi đời hàng trăm năm vẫn giữ nguyên nét nguyên sơ hoặc được tôn tạo, gia cố, thay đổi kết cấu phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.

Nhìn hình ảnh cầu Bình Lợi mới vững chãi, to đẹp với màu sơn đỏ thắm cùng những làn xe rộng rãi; cầu cũ nằm khép mình nhỏ bé, hoen gỉ dấu thời gian nhưng lại mang nét trầm mặc. Hai bức tranh hoàn toàn trái ngược nhưng vẫn gợi nhiều ký ức.

Những cây cầu cũ có thể sẽ dần biến mất, chỉ còn phần nào dấu ấn được bảo tồn nhưng nó sẽ mãi mãi không thể thay thế. Cầu không chỉ bắc nhịp thông thương. Nó còn bắc nhịp thời gian, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Và, nó còn bắc nhịp ký ức để thế hệ sau không quên về những ngày đã xa mà không xa. Đứng giữa những nhịp cầu ở thành phố, bởi vậy luôn dễ tìm thấy những góc lặng lẽ, thanh bình giữa bộn bề tấp nập.

Tin cùng chuyên mục