
"Bà em không qua khỏi rồi!”. Chị Hoàng Yến (bút danh Nguyễn Khoa, PV báo SGGP) báo cho chúng tôi hung tin này trong tiếng nấc nghẹn ngào! Từ trong Tết, chị vẫn thường nhắc đến bà mình, nữ sĩ Anh Thơ. Vừa rồi chị ra Hà Nội thăm bà và tỏ ra lo lắng: “Bà em yếu lắm rồi. Giọng bà không còn rõ nữa. Nhưng bà vẫn đọc thơ”.
Như vậy là gần đây, cùng với Đoàn Văn Cừ, Huy Cận nay là Anh Thơ, những nhà thơ “vang bóng một thời”, đã lần lượt ra đi! Nữ sĩ Anh Thơ, một trong những cây đại thụ của thơ mới Việt Nam đã qua đời sáng 14-3, thọ 86 xuân.

Nữ sĩ Anh Thơ
Nữ sĩ Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân (Vương là họ cha, Kiều là họ mẹ). Chỉ trong thời gian học tiểu học, bà đã phải qua các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang. Năm 6 tuổi, bà đã biết làm thơ để “cha vừa giận, vừa thương”. Thích và có khiếu làm thơ, Anh Thơ lại có máu giang hồ sơn thủy nên lớn lên… mê thi sĩ Nguyễn Bính thì âu cũng là lẽ thường tình. Năm 1939, Anh Thơ nổi tiếng với giải khuyến khích thơ của Tự Lực Văn Đoàn. Năm 1941, bà xuất bản tập thơ đầu tay “Bức tranh quê”, tạo dấu ấn trên văn đàn Việt Nam.
Trong bộ sách “Thi nhân Việt Nam” (năm 1942), Hoài Chân-Hoài Thanh có nhận xét: “Cứ xem văn của Anh Thơ ai cũng phải bảo là người có học... Thế mà cái lối viết rõ ràng chắc chắn ấy, Anh Thơ không từng học được trong tiếng Pháp. Càng kính phục người ta càng mừng cho nền quốc văn. Quốc vận ta ngày một thêm phong phú và hiện tại đã có thể làm lợi khí đào luyện tinh thần cho một người như Anh Thơ”. Hàm ý nhận xét của Hoài Chân - Hoài Thanh là hết lời khen tặng cái khẩu khí và tài thơ của nữ sĩ nước Việt ta vậy!
Cảnh trong thơ Anh Thơ là những bức tranh quê bằng thuốc nước, tranh lụa. Ấy là: “Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng.Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (Chiều xuân). Hay: “Hoa lưu nở đầy một vườn đỏ nắng. Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua” (Trưa hè). Hay: “Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ. Thúng đội đầu như đội cả trời mưa” (Bên đò).
“Thi Nhân Việt Nam” có 6 nữ thi sĩ được tôn vinh, và Anh Thơ là người được nói nhiều nhất. Cùng với Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính…, Anh Thơ tạo nên vẻ đẹp chân quê Việt Nam mà Hoài Chân - Hoài Thanh tâm đắc nhất trong thơ mới. Đó là một cách nhìn nhận vừa dân tộc truyền thống vừa hiện đại. Điều đó ngày nay càng được xem trọng và cần thiết.
Anh Thơ là một nhà thơ sống khỏe và viết khỏe. Ngoài “Bức tranh quê”, còn có “Xưa” (cùng Bàng Bá Lân) bà còn viết tiểu thuyết “Rừng đen” và hàng ngàn bài thơ về các vùng quê hương Việt Nam. Bà là người thủy chung với bạn bè và thích người tâm giao. Sau giải phóng, bà vào TPHCM sống ở đường Trần Hữu Trang, phường 11, Q.Phú Nhuận cũng là để thăm hỏi bạn bè xưa. Bà lặn lội xuống Hà Tiên thăm Mộng Tuyết nữ sĩ. Bà lên Cao Bằng thăm Bàn Tài Đoàn. Bà thích trò chuyện và muốn người nghe bà tâm sự, nghe thơ. Bà viết thơ nhiều và cũng rất nhiều nhà văn nhà báo viết về bà.
Bà là cộng tác viên thân thiết của Báo SGGP. Bà rất thích trồng hoa và ngắm hoa.
… “Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác. Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay”.
Nhớ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa V, tại thủ đô Hà Nội. Gặp đoàn nhà văn TPHCM, bà vui vẻ, tíu tít hỏi chuyện như gặp người nhà. Khi chúng tôi chụp ảnh bà, bà ghé tai nói nhỏ: “Nhớ là, khi chị cười thật tươi vui, hãy chụp nhé”. Bà hồn nhiên giản dị trước cuộc đời. Cái vẻ hồn nhiên dễ thương , dễ cảm và đáng nể phục dường nào.
Kính viếng nữ sĩ Anh Thơ, người chị Cả trong làng thơ Việt Nam!
ĐÔN THUẬN