Nhớ thương bánh lá xứ Thanh

Những ngày gần Tết Nguyên đán, tiết trời dễ chịu. 5 giờ 30, chui ra từ chiếc chăn ấm, tôi dậy chuẩn bị bữa sáng để các con thức dậy sẽ có đồ ăn, kịp giờ tới trường. Bữa sáng hôm nay với tôi thật đặc biệt, mở bọc bánh lá chị gái cẩn thận gửi từ ngoài quê vào làm quà cho các cháu, lòng tôi rộn ràng, háo hức, bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ ùa về.

hinh-banh-la-6895.jpg

Khi tôi còn bé, món bánh lá xứ Thanh chỉ được làm vào ngày tết, bởi đó là dịp đặc biệt nhất của gia đình. Để làm được món bánh lá ngon, trước tết, mẹ tôi đã phải lựa loại lúa Xi 23 ngon nhất, xát ra những hạt gạo trắng trong rồi cất kỹ đợi tết về, mẹ sẽ xay bột. Ngày đó, quê tôi mỗi nhà có một chiếc cối xay bằng đá quay tay. Khi mẹ ngâm gạo đã nở mềm xong, mẹ gọi anh chị em chúng tôi thay phiên nhau ngồi xay gạo với nước. Có những lúc mỏi tay rã rời nhưng cứ nghĩ tới đĩa bánh thơm ngon là chúng tôi lại có thêm động lực quay tròn cho hết rá gạo của mẹ.

Bí quyết của mẹ làm bánh lá nghe thì đơn giản nhưng thú thật với tôi thì chẳng hề giản đơn, bởi bước quan trọng nhất là lúc nhào bột. Khi bắc nồi lên bếp, phải canh cho lửa vừa, khi nước đã cạn thì phải hạ nhỏ lửa rồi nhào liên tục, đều tay để bột quện vào nhau và không bị cháy bén. Phần nhân của bánh phải chọn thịt ba chỉ loại ngon bằm nhỏ xào chung với hành khô.

Để bánh không bị chua thì khi xào nhân không để phần hành bị chín. Quanh căn bếp củi đỏ rực ngày tết, gió lạnh lùa qua khe cửa. Mẹ và anh chị em chúng tôi quây quần bên chiếc chiếu nhỏ với chồng lá rong đã được rửa sạch, lau khô, một nồi bột, một nồi nhân. Theo hướng dẫn của mẹ, chúng tôi thi nhau gói bánh.

Những chiếc bánh to nhỏ, dài ngắn khác nhau và cả những cái “xộc xệch”, lòi bột như có thể rớt ra ngoài vì bàn tay bé xíu của các con chưa thuần thục. Chỉ những chiếc bánh của mẹ gói là đẹp nhất, vuông vắn và chắc chắn khác biệt hẳn với các sản phẩm còn lại của anh chị em chúng tôi. Gói xong phần của mẹ, mẹ sửa lại sản phẩm của mấy đứa cho vào nếp gọn gàng.

Người dân Hoằng Hóa quê tôi gói bánh bằng lá rong hoặc lá chuối. Cho một lượng bột vừa đủ theo chiều dọc của lá, tiếp theo cho nhân bánh vào giữa rồi cuốn lá, sau đó xoay nhẹ tay để bánh tròn đều bột bánh ôm lấy nhân và gấp hai đầu bánh lại. Tùy vào mỗi gia đình, có thể luộc bánh trong nước hoặc hấp cách thủy. Sau khoảng một thời gian nấu sôi, khi thấy mùi lá rong thơm nồng bốc lên theo hơi nước tỏa ra mùi thơm ngào ngạt là bánh đã chín.

hinh-banh-la-1-6543.jpg

Trong không khí gia đình đoàn tụ đầm ấm của anh em họ hàng lâu ngày gặp lại, những câu chuyện rộn ràng bên ấm trà nóng vang lên trong ngôi nhà nhỏ. Dưới bếp, mẹ bắc nồi, chọn những chiếc bánh đẹp nhất xếp vào đĩa và bày lên mâm cỗ tết cúng ông bà, tổ tiên. Sau khi thắp nhang xong, mẹ xin lộc mời khách và cho anh chị em chúng tôi thưởng thức. Chỉ cần nhẹ tay bóc lớp lá bên ngoài sẽ thấy một lớp bánh trắng ngần, thon dài, thơm phức.

Cầm bánh trên tay chấm nhẹ vào một chút nước mắm sẽ cảm nhận được sự đậm đà, nồng đượm của hạt gạo quê hương, sự ngậy thơm của nhân hành hòa cùng thịt ba chỉ làm cho vị bánh ngọt mềm. Cái đặc biệt đó của vị bánh lá xứ Thanh không hề lẫn vào với bất cứ loại bánh nào khác. Có lẽ vì thế mà bánh lá được gọi là một trong những đặc sản của quê tôi.

Món bánh lá xứ Thanh trong ký ức tôi ở tết xưa cứ in đậm như thế. Bây giờ, lũ trẻ lớn lên trong đủ đầy với những thứ đã được làm sẵn, chúng khó mà cảm nhận được vị đặc biệt của quê hương. Tết này, tôi phải tham gia cùng đơn vị trực đảm bảo an ninh trật tự, lại lỡ hẹn một mùa tết cùng với gia đình, quê hương. Tôi tự nhủ lòng, chắc chắn vào một tết gần nhất, sẽ đưa con về với nội ngoại yêu thương, cho con trải nghiệm công đoạn gói bánh lá xứ Thanh để con có tuổi thơ với vị quê hương như một phần tuổi thơ của mẹ chúng trong ký ức tết xưa vẫn vẹn nguyên năm nào.

KHÁNH NGỌC

Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương

Tin cùng chuyên mục