Với Tố Hữu, Từ ấy là tiếng gọi cả một thế hệ lên đường Tranh đấu. Kết thúc kháng chiến thắng lợi là lời nhắn gửi đầy hào khí Ta đi tới.
Những vần thơ “xung trận” của Tố Hữu thời Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa thường bừng bừng khí thế quyết thắng, tràn đầy khí phách Việt Nam, sung mãn tự hào và tự tôn dân tộc.
Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ
Có miền Nam anh dũng tuyệt vời
Những năm chống Mỹ, Tố Hữu không hiếm những câu thơ phản ánh chiến trận thời sự, nhưng trên tất cả là thể hiện được ý chí quyết tâm chiến đấu mãnh liệt và hào khí chiến thắng qua ngữ điệu, thần thái kỳ diệu thơ: Miền Nam đó, ngọn đèn mặt biển/ Giữa đêm dông, đỏ lửa đưa đường (Có thể nào yên). Có sự gặp gỡ kỳ diệu quá khứ và hiện tại, truyền thống xưa và bản lĩnh nay: Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ/ Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi! (Miền Nam), Ta phải thắng bởi vì ta quyết chiến/ Bởi ta yêu tha thiết đời ta/ Yêu mũi tên đồng xưa trong lòng đất Cổ Loa/ Như yêu ngọn tầm vông đâm vào hông giặc Mỹ (Trên đường thiên lý).
Mùa xuân 1967, trong bài thơ mừng năm mới, Tố Hữu đã ý thức rất rõ một sự thực lịch sử.
Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!
(Chào xuân 67)
Nhà thơ tôn vinh vai trò và thiên sứ dân tộc dựa vào huyền thoại Đan Cô móc trái tim làm ngọn đuốc, dẫn đường cho đồng loại tiến bước dưới ánh lửa thần kỳ.
Lịch sử sang trang vào mùa xuân đại thắng 1975: Ta đã đi. Và ta đã đến. Vậy là, đã 35 năm bản hùng ca Toàn thắng về ta cất lên sảng khoái lạ thường, không kém lẫy lừng và gây chấn động lương tâm thế giới. Bài thơ thâu tóm cô đọng sự kiện, những diễn biến thần tốc chiến trận và sự thăng hoa chiến thắng trên một khung nền lịch sử.
Anh giải phóng quân ngày nào “vẫn đôi dép lội chiến trường” hôm nay thực sự được hình tượng hóa, hơn thế, được lý tưởng hóa mang vóc dáng như một dũng sĩ thời đại: “Thuở anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông/ Giản dị như chàng trai làng Gióng”, với khí thế: “bước chân hài bảy dặm”, “Đường tiến quân ào ào chiến thắng”.
Mỗi dân tộc có hoàn cảnh lịch sử và sự lựa chọn lịch sử cụ thể của mình. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ là một địa danh nổi tiếng mà phải chăng cũng đã trở thành một địa chỉ tin cậy để “đường lịch sử ghé qua”? Chúng ta cũng nghĩ như vậy cùng Tố Hữu.
Người chiến thắng là người xây dựng mới
(Với Đảng, mùa xuân)
Ngay sau đại thắng, cũng vẫn Tố Hữu là người cất tiếng hát hối thúc chúng ta: Phải nhanh chân, từ những bước đầu/ Tổ quốc phải giàu, phải mạnh/ Ta sẽ đi như lao vào trận đánh.
Hoài niệm đẹp bao giờ cũng phải biến thành sức mạnh. Hào khí chiến thắng phải trở thành một động lực mãnh liệt, thường xuyên. Chủ nghĩa anh hùng thời hòa bình xây dựng chính là sự tiếp nối bản anh hùng ca thời chiến. Chân trời mới đã hiện ra: Đường Hồ Chí Minh rộng mở thênh thênh…Đường của ta đi, đến mọi người.
Trước khi ra đi một năm, trong bài thơ chào mừng thế kỷ mới, Tố Hữu vẫn nhắc lại bằng thơ một châm ngôn quen thuộc: Chớ ngủ say trên vòng hoa chiến thắng.
Thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ ba, sự nghiệp đổi mới đất nước giục giã chúng ta với khúc quân hành mới Ta lại đi. Và Tố Hữu vẫn như đang trên đường với tất cả mọi người.
Rất thời sự là những câu thơ cách đây từ nửa thế kỷ: Đã nghe nước chảy lên non/ Đã nghe đất chuyển thành con sông dài/ Đã nghe gió ngày mai thổi lại/ Đã nghe hồn thời đại bay cao (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Vẫn nghe vang vọng những vần thơ nóng khích lệ buổi hội nhập hôm nay.
Việt Nam! Người là ta, mà ta chưa bao giờ hiểu hết
Người là ai? Mà sức mạnh thần kỳ
Vì sự nghiệp phát triển và phồn vinh luôn là mơ ước tương lai của nhà thơ và của chúng ta.
***
Một đời hoạt động cách mạng và nghệ thuật, Tố Hữu chỉ viết những lời ca cất cánh, sáng láng ý chí, tình cảm.
Chí ta sáng mãi một niềm tin
(Ta vẫn là xuân - 1997)
Phải chăng ngọn lửa niềm tin ấy đã chuyển tải cho con người thời đại Hồ Chí Minh, nhất là thế hệ trẻ. Để đến được họ, như Ngô Bảo Châu – Một đại diện ưu tú – lại thắp sáng niềm tin cho đồng đội và dân tộc mạnh bước lên “tuyến đầu nhân loại”.
TP Hồ Chí Minh, tháng 9-2010
PGS-TS ĐOÀN TRỌNG HUY