
Ngay trong những ngày Tết Ất Dậu, nhiều công nhân đón giao thừa ngay bên cỗ máy. Chuyện không có gì lạï, bởi vì nhiều năm qua những doanh nghiệp này không dừng máy, tiếp tục sản xuất để có sản phẩm kịp thời giao hàng cho khách…
- Đảm bảo hàng tiêu dùng và xuất khẩu
Cũng như mọi năm, lò nấu thủy tinh của Xí nghiệp Ống thủy tinh thuộc Công ty cổ phần Điện Quang vẫn đỏ rực trong những ngày Tết Ất Dậu. Phó giám đốc Xí nghiệp Đặng Văn Nhở, hơn ba chục năm thường xuyên đón giao thừa tại lò, khi anh còn là một công nhân đứng lò, cho biết, năm nay anh vẫn tiếp tục công việc của mình, cùng ăn Tết với anh em ngay trong xí nghiệp.

Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn đang hoàn thiện chuẩn bị bàn giao 1 tàu hàng 4.000 tấn.
Tuy nhiên, có điều mới hơn là kế hoạch xuất khẩu ống và đèn huỳnh quang năm nay khá lớn nên anh em Xí nghiệp Ống thủy tinh phải cố gắng đáp ứng yêu cầu về số lượng sản phẩm phải giao. Vào ngày mùng 6 Tết Âm lịch, lô hàng 5 container sẽ lên tàu để xuất qua Hàn Quốc nên anh em vừa kéo ống vừa xếp hàng lên container.
Tổng Công ty Bia-rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ngay trong ngày mùng 3 Tết Ất Dậu, phân xưởng chiết bia đã bắt đầu làm việc để kịp giao hàng các đại lý. Vào những ngày trước Tết Nguyên đán, Sabeco nỗ lực đẩy mạnh sản lượng bia và tung ra thị trường để kìm giữ giá ngay khi có dấu hiệu sốt giá.
Ông Văn Thanh Liêm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tiêu thụ của Sabeco cho biết, quả thật nhiều đại lý khó khăn do dự trữ hàng nhưng nhìn chung đã đáp ứng yêu cầu của Chính phủ là không để xảy ra tình trạng sốt giá. Vì lượng bia tung ra trong dịp trước Tết lớn nên số lượng hàng Sabeco nợ các đại lý cũng nhiều, vì vậy trong dịp Tết vẫn phải tiếp tục sản xuất để kịp giao hàng cho khách ngay trong những ngày đầu năm.
- Chấp nhận cạnh tranh khi hội nhập
Ở Công ty cổ phần Giấy Đồng Nai, chúng tôi cũng ghi nhận một không khí làm việc rất nghiêm túc trong những ngày Tết. Máy vẫn chạy, công nhân đeo bám sản xuất, công tác hỗ trợ trong trường hợp máy trục trặc cũng được “kế hoạch hóa”, với nhiệm vụ được giao cho từng người trong tư thế sẵn sàng khi có lệnh gọi vào nhà máy.
Giấy Đồng Nai đã rất vất vả khi cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước và với giấy ngoại nhập. Nhưng vào thời điểm cuối năm 2004, Công ty Giấy Đồng Nai hoàn thành công tác cổ phần hóa và đang đi vào cơ chế hoạt động mới, mà theo Giám đốc công ty Lương Phương Đông là sẽ tốt hơn rất nhiều.
Công ty cũng tập trung vào khâu tiếp thị và bán hàng, trong đó phân công trách nhiệm theo dõi từ khâu giao hàng, theo dõi quá trình khách hàng sử dụng cho đến hết đơn hàng đó. Ông Đông khẳng định, khi chuyển qua mô hình công ty cổ phần, Giấy Đồng Nai cũng sẽ tập trung khai thác tiềm lực từ các cổ động như khai thác nguồn cung cấp nguyên liệu giá rẻ, nguồn lực tài chính, công tác tiếp thị đầu ra… để sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Trong câu chuyện ngày đầu xuân của chúng tôi với Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Daso Đặng Ngọc Hòa cũng chủ yếu xoay quanh vấn đề hội nhập kinh tế thế giới khi Việt Nam gia nhập WTO. Ông Hòa cho rằng không mấy lo ngại khi hội nhập nếu có sự chuẩn bị chu đáo, thậm chí đây còn là cơ hội làm ăn. Với doanh nhân, việc mở rộng qui mô sản xuất thật sự là cái “nghiệp”, ai làm ăn cũng muốn phát triển. Khi hội nhập, doanh nghiệp nên tự nhìn lại mình, biết lựa chọn các ưu thế về tài nguyên trong nước, lợi thế xuất xứ sản phẩm, nâng cấp nguồn nhân lực…
Daso hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, chế biến thực phẩm, cảng biển, bất động sản, đào tạo nhân lực… nên phải có chiến lược cạnh tranh cụ thể. Chúng tôi không cần sự hỗ trợ cụ thể về tài chính cho một vài doanh nghiệp vì nó sẽ làm méo mó môi trường kinh doanh, cần nhất là Chính phủ tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh với các chính sách rõ ràng và hợp lý, thủ tục hành chính đơn giản và nhanh nhạy, để từng doanh nghiệp tự tính toán làm sao có thể tồn tại và phát triển tốt nhất khi Việt Nam gia nhập WTO.
VĂN MINH HOA