Nhu cầu tiêu thụ khí đốt toàn cầu sớm hạ nhiệt

Theo nhận định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sau khi đạt đỉnh, nhu cầu khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong giai đoạn từ năm 2022-2026.
EU đã lấp gần đầy các kho lưu trữ khí đốt chuẩn bị cho các tháng cao điểm tiêu thụ. Ảnh: BRUEGEL
EU đã lấp gần đầy các kho lưu trữ khí đốt chuẩn bị cho các tháng cao điểm tiêu thụ. Ảnh: BRUEGEL

Trong báo cáo về nhu cầu khí đốt trong trung hạn vừa công bố của IEA, sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có (2011-2021), nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong những năm tới do mức tiêu thụ giảm tại các thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Nguyên nhân do các nước đang đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo và nâng cao các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng.

IEA lưu ý sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vào năm 2022, do xung đột Nga - Ukraine, đã mở ra một kỷ nguyên khác cho thị trường khí đốt toàn cầu. Theo đó, nhu cầu khí đốt toàn cầu đang trên đà tăng trưởng trung bình 1,6%/năm từ năm 2022-2026, giảm so với mức trung bình 2,5%/năm trong giai đoạn 2017-2021.

IEA cho biết thêm, tăng trưởng nhu cầu khí đốt sẽ tập trung chủ yếu ở các thị trường đang phát triển nhanh ở châu Á và các nước nhiều khí đốt ở châu Phi và Trung Đông. Riêng Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa tổng mức tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu giai đoạn năm 2022-2026, chủ yếu dựa vào nhiên liệu này để phục vụ sản xuất công nghiệp, ngành điện và khu vực đô thị. Đối với các thành viên châu Âu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, nhu cầu khí đốt được dự báo giảm 5% trong năm 2023. Nguyên nhân do ngành điện các nước này mở rộng phát triển năng lượng tái tạo.

Trái với những lo ngại, số liệu của Hiệp hội Các nhà quản lý mạng lưới khí đốt châu Âu (GIE) cho biết, năng lực dự trữ của các kho chứa khí đốt tại hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), dẫn đầu là Đức, Italy, Hà Lan, Pháp... đã gần như được sử dụng hết, đảm bảo lục địa này có thể tự cung cấp năng lượng trong suốt mùa đông với nhiều tháng dự trữ.

Trước đó, vào tháng 6-2022, vài tuần sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nước thành viên EU đã thống nhất đưa ra quy định mang tính ràng buộc về việc lưu trữ khí đốt với mục tiêu lấp đầy tối thiểu 90% các cơ sở lưu trữ trước ngày 1-11 hàng năm, qua đó nhằm tối ưu hóa khả năng chuẩn bị của EU trong các tháng cao điểm tiêu thụ. EU xác định hệ thống kho lưu trữ khí đốt là chìa khóa đảm bảo về an ninh nguồn cung của toàn khối, đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của EU trong giai đoạn mùa đông.

Tin cùng chuyên mục